• 111
  • lang
  • lang

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cần tiếp tục lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng của trẻ em

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Gia đình, nhà trường, xã hội cần phối hợp

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương, đánh giá cao nỗ lực vượt khó vươn lên của các bạn trẻ; đồng thời kỳ vọng thế hệ trẻ sẽ làm nên những kỳ tích để đưa Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội; một số bộ, ngành, tổ chức, địa phương thời gian qua đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình về quyền tham gia của trẻ em. Trong đó phải kể đến Diễn đàn trẻ em các cấp; Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, huyện; nhóm trẻ em nòng cốt tại cộng đồng dân cư; câu lạc bộ quyền trẻ em..., qua đó góp phần đào tạo những lớp công dân tự tin, có trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp sức lực, trí tuệ ngay từ khi còn nhỏ...

Để tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục lắng nghe, xem xét và đáp ứng ý kiến, nguyện vọng phù hợp của các em. Trong đó, cần chú trọng tăng cường sự phối hợp của cả ba nhân tố: Gia đình, nhà trường và xã hội để dành tình cảm và điều tốt nhất cho trẻ em; chú trọng việc dạy học, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng sống, giúp các em ứng phó với bạo hành, xâm hại về thể chất hoặc tinh thần, đuối nước...

Trẻ em nêu câu hỏi cho lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Các đơn vị cần xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, an toàn trên môi trường mạng; ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu, độc, nội dung không phù hợp. Cần phát động phong trào bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, hình thành nếp sống thân thiện, hòa mình với thiên nhiên cho trẻ em. Đơn vị chức năng cần tạo thêm nhiều kênh, diễn dàn để trẻ em biểu đạt nguyện vọng, tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách dành riêng cho các em.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Mỗi gia đình, các cấp, ngành và toàn xã hội, bằng trách nhiệm, tình thương yêu cần có nhiều hành động thiết thực hơn nữa, chăm lo cho thiếu niên, nhi đồng, nhất là các cháu hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để tất cả trẻ em đều được quan tâm, phát triển toàn diện, sống trong tình yêu thương, môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Phó Thủ tướng mong muốn, trẻ em sẽ trở thành những hạt nhân lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, yêu lao động, ham học hỏi, luôn ghi nhớ và làm thật tốt “Năm điều Bác Hồ dạy”, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, có ước mơ, hoài bão, khát vọng vì tương lai Tổ quốc.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy trả lời câu hỏi của trẻ em tại Diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Trẻ em hãy lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa

Tại Diễn đàn, trẻ em được gặp mặt, giao lưu với lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức, cơ quan liên quan về trẻ em; gửi tới nhiều câu hỏi về những vấn đề các em đang quan tâm hiện nay. Đó là những nội dung về bạo lực, xâm hại trẻ em; hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại; dạy bơi miễn phí, đặc biệt cho trẻ em khó khăn; đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng; nâng cao chất lượng của các phòng tham vấn tâm lý học đường tại trường học…

Trả lời câu hỏi về cách thức để các cơ quan, tổ chức nắm được thông tin, vấn đề liên quan đến trẻ em nhanh nhất, hiệu quả nhất, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, cơ chế nắm bắt thông tin về trẻ em hiện nay rất đa dạng. Có thể thông qua các anh, chị, thầy cô làm Tổng phụ trách Đội trong trường học, địa phương; cha mẹ; Tổng đài 111… Cơ chế không thiếu nhưng để nắm bắt hiệu quả thì rất cần có sự hợp tác, trang bị kỹ năng cho chính các em bởi trong nhiều trường hợp, khi phát hiện những vấn đề liên quan thì nhiều em không biết, không thực hiện quyền nói lên tiếng nói của mình. 

Về giải pháp phòng, chống đuối nước, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước. Hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai hiệu quả mô hình dạy bơi an toàn miễn phí cho trẻ em. Đặc biệt, ở Nghệ An, Đồng Tháp..., Hội đồng nhân dân tỉnh đã ra Nghị quyết chi kinh phí hỗ trợ xây dựng các bể bơi miễn phí an toàn tại các xã nghèo. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Trẻ em cũng đang nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn tham gia lớp học bơi miễn phí, giúp giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và các đại biểu nhận thông điệp của trẻ em tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã trả lời câu hỏi về giải pháp chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở trẻ em dân tộc thiểu số và đề nghị thời gian tới cần quan tâm một số nhóm giải pháp. Đó là tuyên truyền nâng cao sự quan tâm của hệ thống chính trị; lựa chọn nội dung trong từng cuộc họp để làm việc hiệu quả; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để làm gương cho người khác; có cơ chế khen thưởng những gia đình chấp hành tốt quy định…

Tham gia Diễn đàn, 188 trẻ em đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em trên cả nước đã gửi 13 thông điệp, mong muốn, kiến nghị đến các cơ quan, tổ chức. Có thể kể đến các nội dung: Người lớn hãy lắng nghe trẻ em để hiểu rõ các vấn đề của trẻ em và tác động tới trẻ em trước khi ra các quyết định. Hội đồng nhân dân các cấp định kỳ tổ chức gặp mặt, tiếp xúc với trẻ em. Nhà trường xây dựng, nâng cao chất lượng phòng tham vấn học đường và hỗ trợ tâm lý cho học sinh; thành lập câu lạc bộ trẻ em nòng cốt để kịp thời phát hiện và hỗ trợ giữa các học sinh. Cơ quan chức năng đưa nội dung an toàn trên môi trường mạng, bảo vệ trẻ em, giáo dục giới tính trong trường học vào sách giáo khoa. Trẻ em cần được tạo thêm nhiều kênh thông tin, truyền thông để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng; tổ chức nhiều hơn hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em….

Các kiến nghị của trẻ em đã được các cơ quan, tổ chức tiếp thu và sẽ xem xét, đáp ứng một cách phù hợp trong thời gian tới.

Nguồn tham khảo:

https://baotintuc.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-can-tiep-tuc-lang-nghe-dap-ung-nguyen-vong-cua-tre-em-20230808170635798.htm

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:      https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111      https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:    Tongdai111.vn