Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 - Ảnh: HÀ THANH
Chiều 12-1, dự và phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội tổ chức, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh đến công tác bảo vệ trẻ em.
Phó thủ tướng thẳng thắn chỉ ra dù đã có luật, đã có các chương trình giám sát, có mạng lưới bảo vệ trẻ em, tuy nhiên năm nào cũng để xảy ra những vụ việc đau lòng.
"Năm vừa qua có sự cố rất nhức nhối là cháu bé bị bạo hành đến chết. Không phải chỉ vì một trường hợp đấy mà chúng ta mới nhắc nhau mà vẫn nhắc từ trước. Với hệ thống bảo vệ trẻ em, nhất thiết phải hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em từ cấp xã" - Phó thủ tướng nói.
Trong công tác năm 2022, Phó thủ tướng cho rằng cần chú trọng đến công tác này vì dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các em nhỏ, không chỉ dừng lại ở kết quả học tập mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của trẻ khi không được đến trường kéo dài.
"Nếu không có biện pháp kết hợp thật tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội, có nhiều hoạt động thì rất dễ dẫn đến nguy cơ, không chỉ là kết quả học tập mà sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, thậm chí số các cháu có nguy cơ bị trầm cảm ngày càng nhiều hơn. Đây là công việc chúng ta giải quyết từ năm nay, không thể chậm trễ được" - Phó thủ tướng lưu ý.
Phó thủ tướng cũng nhắc đến vấn đề chăm lo tâm lý cho người lao động vì họ phải thực hiện "3 tại chỗ" kéo dài, kết thúc giãn cách về lại khu trọ cũng trong điều kiện rất khổ sở. Do đó, cần có các chương trình trợ giúp tâm lý cho người lao động.
Trong dịp Tết này, Phó thủ tướng cũng đề nghị cố gắng lo Tết an toàn, ấm cúng cho bà con nhân dân. Ngoài chăm lo cho đối tượng người nghèo, người có công thì năm nay cần chú trọng đến đối tượng gặp khó khăn bởi dịch bệnh; ngoài hỗ trợ vật chất, cần thăm hỏi, động viên kịp thời.
Trước chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu, tập trung chỉ đạo thực hiện, phối hợp với các cơ quan như Bộ Giáo dục và đào tạo, các ủy ban và bộ liên quan.
Đồng thời, quan tâm tạo môi trường để khắc phục các tồn tại như phòng chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục, sức khỏe phụ nữ.
Ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đến trẻ em
Năm 2022, một trong những giải pháp Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề ra là thực hiện quyền trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn để trẻ được phát triển toàn diện.
Trong đó, triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định pháp luật; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Kịp thời phối hợp, chỉ đạo, triển khai việc ứng phó, giảm thiểu tác động đại dịch COVID-19 đến trẻ em.
Duy trì công tác xã hội và dịch vụ bảo vệ trẻ em. Kịp thời phát hiện, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và tư vấn thực hiện quyền trẻ em thông qua Tổng đài 111.
Huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo Báo Tuổi trẻ.
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616