Nhà trường có thể được xem là ngôi nhà thứ 2 của trẻ em. Khi trẻ tham gia học tập tại trường lớp, nhà trường, thầy cô và nhân viên nhà trường đều có trách nhiệm giữ an toàn cho các em, bảo vệ các em khỏi nguy cơ bị tổn thương, trong đó có xâm hại tình dục. Nhà trường có nghĩa vụ tạo ra và duy trì một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, có khả năng nhận diện và giúp đỡ những em học sinh đang có nguy cơ hoặc đang gặp phải nguy hiểm. Đồng thời, nhà trường cũng có trách nhiệm đào tạo, tập huấn cho thầy cô và nhân viên về việc bảo vệ các em học sinh.
Nguy cơ các em học sinh bị xâm hại ngay tại trường học vẫn tồn tại, như các vụ việc học sinh bị xâm hại bởi giáo viên, nhân viên nhà trường hoặc thậm chí là các bạn học cùng trường, tại một số tỉnh thành trên cả nước. Điều này cho thấy việc giáo dục từ phía nhà trường về sức khoẻ giới tính và các biện pháp bảo vệ an toàn cho bản thân chưa thực sự có hiệu quả và rất cần sự điều chỉnh thích hợp. Ngoài ra, khi thông tin chính thống về giáo dục sức khoẻ giới tính có thể bị lạm dụng nếu để các em học sinh tự tìm hiểu qua những nguồn thông tin khác, thì việc nhà trường chủ động giảng dạy về những kiến thức này sẽ giúp các em học sinh củng cố thêm niềm tin vào trường lớp, duy trì trường lớp trở thành một môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn.
Trong cuộc phỏng vấn với Chuyên gia Giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương với chuyên mục: "Giáo dục giới tính - Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trong nhà trường sao cho hiệu quả?", bà có nhấn mạnh rằng các em học sinh ở những nơi bà đến công tác "khao khát được học hỏi về giáo dục giới tính". Vì vậy, cho dù là vì tò mò hay vì chính sự lo lắng đến an toàn và quyền lợi của bản thân các em, các trường học nên tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy việc tiếp thu kiến thức phòng tránh xâm hại tình dục.
Quý vị có thể xem video tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=k-m4h9OJImg&ab_channel=TRUY%E1%BB%80NH%C3%8CNHV%C3%8CTR%E1%BA%BAEM
Một số biện pháp có thể được áp dụng nhằm tăng cường khả năng bảo vệ của nhà trường
- Thường xuyên tập huấn thầy cô, nhân viên nhà trường về các dấu hiệu nhận biết các hành vi xâm hại, nạn nhân xâm hại, nguy cơ xâm hại, và các biện pháp ứng phó phù hợp.
- Có ít nhất 1 giáo viên chịu trách nhiệm về mảng bảo vệ trẻ em.
- Xây dựng và cập nhật quy trình kiểm tra, tuyển chọn nhân viên, giáo viên cho nhà trường trước khi được làm việc với trẻ em.
- Xây dựng, duy trì và điều chỉnh khi cần thiết một bộ quy tắc bảo vệ trẻ em trong trường học, áp dụng với tất cả giáo viên, nhân viên nhà trường trong trường hợp 1 trong số họ bị cáo buộc tổn thương học sinh của trường.
- Thường xuyên trao đổi với giáo viên và phụ huynh về tình hình của trẻ.
Ngoài ra, đối với học sinh, nhà trường phải bổ sung kiến thức cho các em về giáo dục sức khoẻ giới tính và tinh thần:
- Các nhận biết các hành vi có thể gây rủi ro, nguy hiểm
- Những hành vi tương tác thân thể phù hợp và không phù hợp
- Các giải pháp đối mặt với áp lực học tập, bạn bè.
-------------
Nguồn tham khảo: https://www.nidirect.gov.uk/articles/how-schools-can-protect-children-from-abuse
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616