• 111
  • lang
  • lang

Phòng, chống xâm hại trẻ em: Vai trò của gia đình vô cùng quan trọng

Thời gian qua, tình trạng trẻ em bị xâm hại diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Gia đình có vai trò và trách nhiệm gì trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em?

Những vụ việc như bé gái 6 tuổi bị hai nam thiếu niên cùng xóm 15 tuổi và 13 tuổi xâm hại tình dục ngay tại nhà (vụ việc xảy ra hồi tháng 9/2022 tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) hay vụ hai bé gái 7 tuổi và 8 tuổi bị một người đàn ông 44 tuổi dùng tay xâm hại tại nhà vệ sinh của trường tiểu học (vụ việc xảy ra hồi tháng 10/2022 tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) không chỉ gây bức xúc trong dư luận, mà còn khiến cho nhiều bậc phụ huynh không khỏi bàng hoàng và xót xa.

Thiếu niên 13 tuổi đã xâm hại bé gái 6 tuổi tại cơ quan công an.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, tránh những nguy cơ bị xâm hại, giúp các em yên tâm học tập và phát triển toàn diện, mỗi gia đình phải tích cực quan tâm hơn nữa tới con em mình; phối hợp với nhà trường, các cơ quan chức năng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ rủi ro bản thân cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.

Để giúp trẻ phòng tránh bị xâm hại, cha mẹ cần chủ động trao đổi, cung cấp kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản; các rủi ro tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại như chat sex, nghiện trò chơi trực tuyến, bị bạn bè xấu lôi kéo, nghiện các chất kích thích như thuốc lá điện tử, ma túy…

Đồng thời, trang bị cho con những kỹ năng cơ bản nhất để phòng chống xâm hại như: Giải thích cho trẻ hiểu về các bộ phận trên cơ thể, đâu là các bộ phận sinh dục, các vấn đề về giới tính và sức khỏe sinh sản. Dạy trẻ về những giới hạn khi giao tiếp, tiếp xúc với người thân, quen. Dặn trẻ không đi một mình với người lạ, nhất là lại đi đến những chỗ lạ, vắng vẻ. Hướng dẫn trẻ em nói “không” hoặc bỏ chạy nếu ai đó cố tình đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm của trẻ, cho dù đó là người thân. Hướng dẫn trẻ sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn. Khuyến khích con chia sẻ với cha mẹ, thầy cô nếu cảm thấy bất an. Nói với trẻ những quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em để trẻ hiểu mình có quyền được xã hội bảo vệ và bênh vực. Và điều quan trọng nhất là nếu kẻ xấu có ý đồ xâm hại trẻ, pháp luật sẽ trừng trị đích đáng kẻ xấu, trẻ không phải là người có lỗi.

Bên cạnh việc trang bị các kiến thức và kỹ năng cho con để phòng, chống bị xâm hại thì các bậc phụ huynh cũng cần quản lý và giáo dục để trẻ không trở thành tội phạm đi xâm hại tình dục những trẻ em khác vì trong thực tế, trẻ em không chỉ là đối tượng bị xâm hại tình dục mà có không ít trẻ đi xâm hại tình dục những trẻ em khác.

Hiện nay, vẫn còn nhiều bậc phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của mình và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em. Một bộ phận cha mẹ coi việc giáo dục trẻ là của nhà trường, phó mặc trẻ cho thầy cô. Bản thân họ cũng chưa dành nhiều thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, hạn chế trong trao đổi với trẻ về các nguy cơ bị xâm hại… Thậm chí, nhiều phụ huynh còn chưa hiểu đầy đủ về xâm hại trẻ em, thực trạng và những hậu quả của vấn nạn này gây ra cho trẻ, gia đình và xã hội. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ trượt ra khỏi vòng tay bảo vệ của cha mẹ, trở thành “miếng mồi ngon” cho kẻ xấu xâm hại.

Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF cho biết: Phòng, chống xâm hại trẻ em chính là để bảo vệ trẻ em, bảo vệ tương lai của mỗi gia đình, của đất nước. Điều này cần có sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, gia đình có vị trí vô cùng quan trọng, mà trước hết là những người cha, người mẹ phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại.

Theo bà Trần Tuyết Ánh - Vụ Trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gia đình có vai trò, trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách đối với thế hệ trẻ. Đây cũng là môi trường giáo dục trang bị những kiến thức, kỹ năng sống đầu đời cho trẻ em.

Khi đạo đức xã hội, đạo đức cá nhân đang có những biểu hiện giảm sút thì vai trò của gia đình, giáo dục trong gia đình đối với việc hình thành, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và việc bảo vệ trẻ em - chủ nhân tương lai của đất nước trước những nguy cơ xâm hại, ảnh hưởng xấu từ môi trường xã hội càng trở nên cấp thiết. Bảo vệ trẻ em cũng chính là bảo vệ tương lai của mỗi gia đình, quốc gia vì mục đích phát triển con người trong thời đại hiện nay.

 

--- 

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn