Nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động trái quy định pháp luật, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND quy định rõ về những mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Niềm vui của những đứa trẻ vùng cao là được chạy nhảy vui chơi cùng bạn bè. Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/ TTXVN
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu: giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên (từ 5 đến 17 tuổi) dưới 1%; hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với 100% trẻ em có nguy cơ, trẻ em lao động và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo; 90% trẻ em có nguy cơ, trẻ em lao động được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.
Trong giai đoạn 2021-2025 Hà Nội đặt mục tiêu có 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, 80% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; 85% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Thành phố phấn đấu có 90% công chức, viên chức cấp thành phố, quận, huyện và 90% cán bộ, công chức cấp xã ngành lao động - thương binh và xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề lao động trẻ em được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em; 90% doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, 70% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt là hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.
Trong định hướng đến năm 2030 Hà Nội tiếp tục duy trì tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên (từ 5 đến 17 tuổi) dưới 1% và giảm tối đa tỷ lệ trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.
Để thực hiện các mục tiêu trên, thành phố yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo đưa các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch vào nhiệm vụ, lồng ghép trong xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lồng ghép vào trong các nhiệm vụ chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội, lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp tại địa phương; đồng thời, rà soát, tham mưu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, lao động trẻ em. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, đặc biệt trong công tác can thiệp, trợ giúp trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động.
Thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành đoàn thể, các tổ chức, người sử dụng lao động, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, đảm bảo Quyền trẻ em, đặc biệt tại các làng nghề và khu vực kinh tế phi chính thức. Thành phố tăng cường công tác rà soát, thu thập thông tin, quản lý chắc trẻ em trong các hộ gia đình, đặc biệt nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo; hướng dẫn người sử dụng lao động, đặc biệt người sử dụng lao động tại các làng nghề, khu vực kinh tế phi chính thức về kiến thức, kỹ năng phát hiện và phối hợp với các ban ngành, cơ quan, tổ chức để can thiệp, hỗ trợ lao động trẻ; hỗ trợ cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất, tâm lý của trẻ em và theo quy định của pháp luật; xây dựng các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em…
Tính đến thời điểm cuối năm 2019, Hà Nội có gần 1,86 triệu trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 23,2% tổng dân số của Thủ đô. Trong đó, có gần 13.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 49.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội ghi nhận gần 41.000 trẻ em có nguy cơ phải lao động sớm, nhưng không có trẻ em phải tham gia lao động sớm trái quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn 2016-2020, các cơ quan chức năng thành phố đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động trẻ em; giám sát, kiểm tra công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó có nội dung phòng ngừa, sử dụng lao động trẻ em. Ngoài ra, thành phố đã thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em tại xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) và xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ); xây dựng mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em ở 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn… Nhờ đó, gần 18.000 trẻ em và gần 1.600 hộ gia đình có trẻ em đứng trước nguy cơ phải lao động sớm, đã nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt.
Nguyễn Cúc (TTXVN)
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061