Trong mùa dịch COVID-19, hầu hết trẻ em đều ở nhà do các hoạt động vui chơi, học tập, ngoại khóa của trẻ đều bị hạn chế. Các bậc phụ huynh vẫn luôn an tâm rằng ngôi nhà là một nơi an toàn cho trẻ, tuy nhiên trẻ em ở lứa tuổi nhỏ lại vô cùng hiếu động và rất dễ bị thương nếu bố mẹ lơ là, không chú ý thực hiện đúng các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ.
Để bảo đảm an toàn cho trẻ vui chơi trong những ngày hè, dưới đây sẽ là những lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh quan tâm, chăm sóc và hướng dẫn trẻ phòng chống tai nạn thương tích tại nhà.
Phòng tránh ngã và cách sơ cứu:
1, Hướng dẫn trẻ không chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau; không leo trèo cây, tường, cột điện, cầu thang, không nhảy từ trên cao xuống...;
2, Bảo đảm các bậc thềm, bậc cầu thang, sàn nhà, nhà tắm, sân luôn khô ráo, không trơn trượt;
3, Sử dụng cũi để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi;
4, Gia cố chấn song cửa sổ, tay vịn cầu thang, lan can ban công để bảo đảm khoảng cách giữa các chấn song trẻ không chui lọt và trèo qua được. Có cửa hoặc rào chắn ở đầu hoặc cuối cầu thang nếu trong nhà có trẻ nhỏ. Bảo đảm có chốt, khóa cửa sổ, cửa ra ban công, thông ra khoảng không… trẻ không thể tự mở;
5, Những chỗ sàn nhà cao phải có tạo thêm bậc thềm cho trẻ lên, xuống phù hợp với lứa tuổi;
6, Không thực hiện các động tác dễ gây ngã cho trẻ nhỏ như xốc ngược, tung trẻ...;
7, Không để trẻ đang lẫy, bò, tập đi ngồi, nằm trong võng hoặc ở vị trí cao khi không có người lớn bên cạnh;
8, Không để cho trẻ nhỏ dưới 10 tuổi trông trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
Cách sơ cấp cứu khi trẻ bị ngã
- Nếu chấn thương nhẹ như bầm tím, xây xát da thì phải phải rửa bằng nước sạch, sát trùng và băng lại.
- Nếu trẻ bị trật khớp, gẫy xương cần đặt nẹp cố định chỗ bị gẫy, băng bó tạm thời, rồi chuyển đến cơ sở y tế.
- Nếu trẻ bị chấn thương nặng hoặc đa chấn thương thì cần phải chuyển ngay trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Không nên làm:
- Xoa dầu, cao;
- Bôi cồn trực tiếp vào vết thương (gây xót, bỏng);
- Rắc thuốc bột kháng sinh vào vết thương hở.
Phòng tránh bỏng và cách sơ cứu:
1, Hướng dẫn, giải thích cho trẻ hiểu về sự nguy hiểm của bỏng và tránh xa những đồ vật, khu vực có lửa, có nhiệt độ cao, dễ gây bỏng như bếp, nồi canh, nồi cám, nồi nước, phích nước; không chơi, nghịch lửa và các vật dễ cháy nổ như bếp ga, bếp điện, bình ga, diêm, bật lửa, xăng dầu, cồn...;
2, Bố trí bếp nấu ăn hợp lý, an toàn ngoài tầm với của trẻ; làm cửa chắn quanh khu vực nấu ăn nếu trong gia đình có trẻ dưới 5 tuổi. Luôn giám sát, trông coi trẻ và bếp, thức ăn trong khi đang đun nấu;
3, Luôn kiểm tra, thử nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống;
4, Để xa tầm với của trẻ các vật dụng, thức ăn, đồ uống phát nhiệt, mới nấu (như bếp, nồi, chảo canh, nồi cám, nước sôi, phích nước sôi, vật dễ cháy nổ như ga, xăng, cồn, diêm...). Khi bê nồi, chảo vừa nấu sôi cần tránh xa, cảnh báo trẻ để không va đụng;
5, Không để trẻ (đặc biệt là các trẻ nhỏ dưới 3 tuổi) tự tắm với vòi có nước nóng;
6, Không tôi vôi gần đường đi hoặc nơi trẻ hay tụ tập, chơi đùa. Hố vôi cần có biển báo, che chắn cẩn thận.
Cách sơ cấp cứu khi trẻ bị bỏng:
1, Khi trẻ bị bỏng, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng, ngâm bộ phận cơ thể bị bỏng (cả quần, áo, bít tất,…) đã thấm nước nóng vào nước mát trong 20 - 30 phút. Tuyệt đối không tháo bỏ quần, áo, bít tất ở vùng, bộ phận cơ thể đang bị bỏng.
2, Trường hợp trẻ bị bỏng nặng cần khẩn trương chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061