Xung quanh ngôi nhà của chúng ta, có rất nhiều những đồ vật có thể gây nguy hiểm với trẻ em, nhất là những vật sắc, nhọn. Trong kì nghỉ dài ngày, các bậc phụ huynh hay những người chăm sóc trẻ cần phải chú ý, hướng dẫn trẻ tránh sử dụng những vật dụng sắc nhọn có nguy cơ gây thương tích cho trẻ.
Bên cạnh đó, những phương pháp phòng tránh bị vật sắc, nhọn cắt, đâm và cách sơ cứu khi trẻ bị thương cũng là những thông tin mà các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần lưu ý.Hãy cùng tham khảo một số những hướng dẫn sau đây để tìm hiểu thêm những thông tin về cách phòng tránh và cách sơ cứu khi trẻ bị thương bởi các vật sắc, nhọn.
1, Chỉ dẫn, giải thích cho trẻ thấy được sự nguy hiểm khi sử dụng hay chơi đùa với hoặc bên cạnh các đồ vật sắc nhọn;
2, Chỉ dẫn, giải thích cho trẻ không được bắt chước người lớn làm các việc có thể gây thương tích như: gọt, cắt trái cây, thái thịt, khâu vá,… mà không có sự hướng dẫn, giám sát của người lớn;
3, Giáo dục, giải thích cho trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm (trèo cây, đấu kiếm, vừa chạy vừa cầm que nhọn, cầm đũa, ngậm bút, đũa...);
4, Để ngoài tầm với của trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi tất cả những vật sắc, nhọn có thể gây thương tích như dao, kéo, dùi đục, kim băng, đinh, các loại vũ khí (súng, kiếm), rìu, cưa, cung nỏ, liềm,…;
5, Bao bọc các đầu, cạnh, nút sắc, nhọn của các đồ vật trong nhà. Hướng dẫn, giám sát kỹ lưỡng trước khi cho trẻ sử dụng kéo thủ công đảm bảo an toàn, phù hợp với lứa tuổi;
6, Dọn dẹp, sắp xếp trong gia đình để tránh cho trẻ dẫm phải hoặc va chạm các gờ, cạnh, vật sắc, nhọn, mảnh vỡ; không cho trẻ chơi các vật sắc, nhọn hoặc chơi ở những nơi có nhiều vật sắc, nhọn như mảnh kính vỡ, đá nhọn, hàng rào có vật nhọn..
Cách sơ cấp cứu khi trẻ bị vật sắc nhọn cắt, đâm:
1, Nhanh chóng rửa sạch, sát trùng và cầm máu vết thương, sau đó đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất;
2, Trường hợp vết thương vẫn còn dị vật (que tre, củi, thanh sắt, dao,…), tuyệt đối không được rút dị vật ra. Nếu dị vật quá dài gây khó khăn khi di chuyển nạn nhân, cần tìm cách cắt ngắn bớt dị vật, sau đó chuyển trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
Không được làm:
1, Băng bó (hay buộc) tay, chân trên phía vết thương bằng dây chun các loại với mục đích cầm máu (ngoại trừ trong trường hợp một phần tay, chân đã đứt rời);
2, Xối rửa, kỳ cọ hay dùng dụng cụ để cố lấy dị vật ra khỏi vết thương vì sẽ gây tổn thương thêm phần mềm xung quanh;
3, Dùng các mẹo dân gian không hơp vệ sinh, phản khoa học như: đắp lá nhai nát, đắp bùn đất, cho súc vật (chó, mèo…) liếm vết thương.
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061