• 111
  • lang
  • lang

Phụ nữ di cư hồi hương tham gia tái hoà nhập bền vững (Phần 2)

Nhiều nạn nhân là phụ nữ bị mua bán sau khi được tiếp nhận đã được lực lượng chức năng tổ chức gặp gỡ, tư vấn và thực hiện chế độ hỗ trợ để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng theo quy trình, quy định chế độ chính sách. Qua quá trình hoạt động thực tế cho thấy nhiều mô hình bước đầu có hiệu quả.

Mô hình " Nhóm tự lực" được thành lập và triển khai từ năm 2011 tại các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình. Được sự giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật của các Tổ chức quốc tế, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã thành lập được 03 nhóm tự lực. Hoạt động chính của mô hình là sinh hoạt nhóm, tại các buổi sinh hoạt nhóm, các nạn nhân được giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn pháp lý, sức khỏe, kỹ năng sống, thông tin các chính sách đối với hộ nghèo, đồng thời là cơ hội để các chị em trao đổi, học hỏi và chia sẻ về những kinh nghiệm làm ăn, sản xuất.

Zalo

 

Ngoài ra, thông qua "Nhóm tự lực", World Vision Việt Nam cung cấp thêm mô hình hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập dựa vào cộng đồng thông qua nhóm tiết kiệm. Mô hình được xây dựng và thực hiện thông qua 4 bước: rà soát và cập nhật thông tin nạn nhân tại cộng đồng; thành lập nhóm; hỗ trợ bò giống và vật liệu làm chuồng; sinh hoạt định kỳ, tập huấn và trao đổi, giao lưu. Mô hình này góp phần hỗ trợ nạn nhân về kỹ năng sống, điều kiện kinh tế và tạo điều kiện để tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khác để thành viên tái hòa nhập thành công ngay tại cộng đồng. Các nhóm tự lực đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tái hòa nhập, do các buổi họp nhóm chính là cơ hội để nạn nhân gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm cũng như khó khăn, và nhận được lời khuyên của những người đồng cảnh ngộ giúp họ khắc phụ trở ngại.

Zalo

 

Tuy nhiên, mô hình tiếp cận cộng đồng và nhóm tự lực cũng chưa tiếp cận được các nạn nhân trẻ, mới trở về, trong khi nhóm được xây dựng với mục đích tạo môi trường an toàn giúp đương đầu với những tổn thương về mặt tinh thần, cùng với những người đồng cảnh ngộ có khả năng thấu hiểu. Do đó, một số khía cạnh của mô hình nhóm tự lực chưa được thực hiện đầy đủ, vì đa số phụ nữ tham gia đã bị mua bán và trở về vài năm trước khi tham gia nhóm. Bên cạnh đó, do không phải mới trở về, những phụ nữ này chưa được tư vấn về các nguy cơ sức khỏe do bị mua bán cũng như những bệnh nhiễm khuẩn và các vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được điều trị.

Kế hoạch tái hòa nhập đã thành công trong việc tăng thu nhập và hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân, và cách tiếp cận của mô hình – tìm kiếm và xác định nạn nhân tại cộng đồng nhằm hỗ trợ theo nhóm – là cách phù hợp. Khi phụ nữ tham gia nhóm, họ có thêm hỗ trợ từ các thành viên khác lúc xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ chặt chẽ của Chi cục PCTNXH đảm bảo nạn nhân có sự giúp đỡ của các cán bộ đã được đào tạo và tham gia các hoạt động của mô hình.

Hơn thế nữa, Nhóm tự lực đã hoàn thành tốt vai trò quan trọng của các nhóm là tạo ra môi trường nhóm mang tính hỗ trợ và đáng tin cậy để giúp nạn nhân trở lại tự tin và xây dựng lại lòng tự trọng của họ. Những người phụ nữ hồi hương tham gia tái hoà nhập không chỉ trở thành nguồn thông tin và hỗ trợ cho cộng đồng, mà còn sẵn lòng sử dụng những trải nghiệm của mình để giúp người khác trong cộng đồng.

Zalo

 

Ngoài ra, còn có nhiều mô hình khác đang hoạt động tích cực như:

Mô hình kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS tại TP Hải Phòng được thí điểm với các thành viên tham gia mô hình ban đầu là một số nạn nhân bị mua bán trở về, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm, người có nguy cơ cao bị mua bán.

Mô hình Nhà Nhân Ái, được thành lập từ tháng 4/2010, là một trong những mô hình hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán trở về, từ sức khoẻ, giáo dục, tâm lý, tư vấn học nghề, dạy nghề, kỹ năng sống, hỗ trợ tiết kiệm, v.v.

Mô hình hỗ trợ nạn nhân dựa trên những hiểu biết về sang chấn. Mô hình này làm việc trực tiếp với phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng của sang chấn từ mua bán người, xâm hại tình dục và bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức liên quan.

Mô hình Nhà bình yên, ra đời năm 2007, nhằm hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện đối với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị mua bán người, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng và pháp lý. Ngoài ra tại đây cũng hỗ trợ cả con của nạn nhân đi theo mẹ, đặc biệt về tâm lý và giáo dục.

--------------

Nguồn tham khảo:

http://pctnxh.molisa.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&id=1787

https://publications.iom.int/system/files/pdf/assessmentreport_vietnam_15apr_0.pdf

-------------

Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.  
Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau
Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW
Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616