• 111
  • lang
  • lang

Phương pháp giáo dục và thói quen độc hại mà cha mẹ nên tránh (Phần 2)

Cách mà cha mẹ trò chuyện, đối xử với nhau, cùng làm việc có thể cho thấy sự tôn trọng lẫn nhau, sự phối hợp và khuyến khích tích cực. Điều này sẽ là tấm gương cho trẻ, giúp trẻ hiểu được thế nào là một mối quan hệ lành mạnh. Ngược lại, ở bậc phụ huynh có những thói quen đáng lo ngại sẽ khiến trẻ hiểu sai về định nghĩa của gia đình và tình thân. Ngoài ra, những cha mẹ có thói quen đối xử với nhau tệ hại sẽ ảnh hưởng đến góc nhìn của trẻ về cuộc sống và thậm chí là cách trẻ nhìn nhận bản thân mình. Mời bạn đọc cùng theo dõi phần 2 của bài viết.

4. Có những thoả thuận ngầm với con trẻ mà không cho vợ/ chồng biết

Không ít phụ huynh đã có những thoả thuận ngầm với trẻ mà không muốn cho vợ hoặc chồng của mình biết. Ví dụ khi người mẹ mua sắm quần áo cho con và dặn trẻ không nên nói cho cha biết. Hành động này có thể hình thành một thói quen không tốt cho trẻ. Tương tự, nếu người cha cùng người con cố gắng che giấu một lỗi lầm nào đấy gây ra bởi con trẻ, việc này thực sự không giúp ích gì trong việc giáo dục trẻ hàng ngày.

Việc giữ bí mật, nói dối trong việc dạy con với người phụ huynh còn lại, hoặc thậm chí nói xấu về vợ hoặc chồng cho con nghe sẽ khiến cho mối quan hệ trong gia đình trở nên khó khăn hơn. Vì con trẻ sẽ có thể bắt đầu nghiêng về một phía, chỉ nghe lời cha hoặc mẹ, mà có khoảng cách với mẹ hoặc cha, thậm chí là có định kiến.

Do đó, để ngăn chặn tình hình này có thể xảy ra, gia đình hãy cố gắng không tạo ra những thoả thuận ngầm với trẻ chỉ vì muốn nuông chiều trẻ. Hãy thẳng thắn, rõ ràng, cân nhắc khi trao đổi với con trẻ, vì con trẻ cũng đang học tập rất nhiều từ cha mẹ.

5. Thể hiện sự không thống nhất trong việc áp dụng kỷ luật tích cực với con trẻ

Cha mẹ nên hạn chế để trẻ chứng kiến được cảnh tranh cãi giữa người lớn về quan điểm giáo dục như thế nào là tốt nhất cho trẻ. Khi trẻ chứng kiến giây phút cha mẹ không tôn trọng nhau, to tiếng với nhau, dùng những từ ngữ khó nghe để trao đổi với nhau, tức là cha mẹ đang gián tiếp khuyến khích trẻ có thái độ tương tự với mình. Do đó, hãy ngừng việc phán xét lẫn nhau, chỉ trích nhau về những vấn đề của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ hãy dùng thái độ tôn trọng, bình tĩnh khi trao đổi để cho trẻ thấy rằng tuy không cùng quan điểm, nhưng cha mẹ vẫn đủ bình tĩnh, tử tế với nhau.

Tuy cha mẹ có bất đồng quan điểm về cách dạy con, nhưng hãy cố gắng cho con thấy sự đoàn kết giữa 2 người trước mặt con trẻ và trao đổi kĩ hơn, chi tiết hơn khi chỉ có riêng cha và mẹ.

Trong nhiều trường hợp, khi cha mẹ tỏ vẻ đồng tình với cách giáo dục mà ban đầu cha mẹ không cùng ý kiến, sẽ tốt hơn cho trẻ, khi so sánh với việc cha/ mẹ thể hiện mình không tin tưởng vào cách giáo dục của vị phụ huynh còn lại

Phương án hạn chế dần những thói quen không tốt

Nếu cha mẹ đều nhận thấy mình có một trong những thói quen kể trên, cha mẹ có thể liên hệ chuyên gia để được hỗ trợ và tư vấn. Việc cần bác sĩ tư vấn để trò chuyện cùng cả cha và mẹ là cần thiết và hoàn toàn bình thường. Các chuyên gia sẽ phân tích và đưa ra giải pháp để cha mẹ có thể thay đổi dần thói quen chưa đúng có nguy cơ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và việc giáo dục con cái. Đừng ngại học hỏi từ chuyên gia về các kỹ năng làm cha mẹ, giáo dục trẻ, và cố gắng xây dựng một gia đình tích cực.

Cha hoặc mẹ cũng có thể tiếp nhận hỗ trợ một người nếu phụ huynh còn lại không hợp tác. Vì ít nhất cũng có một người chịu học hỏi để trở thành phụ huynh tích cực và đồng thời chủ động bỏ những thói quen chưa tốt.
 

-------------
Nguồn tham khảo: https://www.verywellfamily.com/toxic-parenting-habits-between-couples-that-hurt-kids-1095072
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616