Khi trẻ đã được giải cứu, cha mẹ phải luôn bên cạnh động viên con, tuyệt đối không nên dọa nạt, trách móc.
Ngày 15/8, dư luận xôn xao vụ giải cứu bé trai 7 tuổi bị bắt cóc tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Sau khoảng 10 giờ gây án, nghi phạm Nguyễn Đức Trung đã bị cảnh sát bắt giữ tại tỉnh Hà Nam. Cảnh sát cũng giải cứu thành công cháu bé bị bắt cóc.
Khoe tài sản lên mạng xã hội, vô tình hại con
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi ở Hà Nội cho thấy các đối tượng phạm tội ngày càng manh động. Những vụ việc tương tự có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ gia đình nào.
"Vụ việc xảy ra ở một khu đô thị, có bảo vệ canh gác. Đặc biệt, đối tượng theo dõi nhiều ngày chờ cơ hội ra tay, việc dùng tay bịt miệng trẻ sau đó bắt lên xe cho thấy hành động hết sức táo tợn", ông An cảnh báo.
Sau hơn 10 giờ đồng hồ, cảnh sát đã giải cứu thành công cháu bé (Ảnh: Hải Nam).
Theo ông An, những vụ bắt cóc trẻ em thường vì mục đích tống tiền, các đối tượng lợi dụng, dùng sự an toàn, tính mạng của trẻ làm cái cớ để tống tiền. Do đó, làm thế nào thông tin cho tất cả các bậc phụ huynh biết được kỹ năng bảo vệ em bé hết sức cần thiết.
Để đảm bảo em bé tránh, thoát được nguy cơ bị bắt cóc, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em nhấn mạnh, đầu tiên cha mẹ luôn luôn phải để mắt đến trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Những nơi đông người, nơi vắng vẻ phải đặc biệt lưu ý, không được rời mắt khỏi trẻ.
Hơn ai hết, bố mẹ phải thường xuyên trang bị kiến thức, chỉ ra cho trẻ những nguy cơ dễ bị bắt cóc, dạy trẻ nhận diện ai là người có thể dẫn đi ăn, đi chơi. Dạy con nhớ số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà… hạn chế ở những nơi chỉ có một mình, hãy đi theo nhóm bạn bè", theo ông An chia sẻ.
Hiện nay, không ít người có thói quen khoe nhà, cửa, xe cộ thậm chí khoe con lên mạng xã hội, ông An cho rằng, điều này vô tình đẩy trẻ vào sự nguy hiểm. Kẻ xấu theo dõi qua facebook sẽ biết được quy luật hoạt động của trẻ để tìm cách tiếp cận trẻ.
"Bố mẹ khoe nhà, khoe nhiều tiền vô tình làm mồi nhử cho các đối tượng bắt cóc tiếp cận, điều này các phụ huynh phải hết sức lưu ý. Với những trẻ sử dụng facebook, bố mẹ cần cảnh báo con không nên kết bạn với người lạ để tránh những việc đáng tiếc xảy ra", ông An cảnh báo.
Khi trẻ đã được giải cứu, cha mẹ phải luôn bên cạnh động viên con, tuyệt đối không nên dọa nạt, trách móc trẻ vì lúc này tâm lý các em đang bị ảnh hưởng nặng nề.
"Trường hợp cần thiết có thể kết hợp với các chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội để an ủi, tư vấn tâm lý cho trẻ vượt qua được nỗi sợ hãi", ông An nói.
Dạy trẻ tránh những nguy cơ
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) cho biết, các vụ việc bắt cóc trẻ em ngày càng xuất nhiều là bài học rất lớn đối với các bậc phụ huynh.
Theo bà Hòa, người lớn thường dạy trẻ cảnh giác với người lạ, tuy nhiên có rất nhiều vụ kẻ bắt cóc là người quen với trẻ. Vì thế, phụ huynh cần dạy con cảnh giác với cả những người quen.
Các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ luôn luôn phải để mắt đến trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ (Ảnh: Hải Nam).
Quan trọng nhất là bố mẹ phải luôn gần gũi con trẻ nhiều nhất có thể để sẵn sàng chia sẻ. Đôi khi bố mẹ nên tin vào linh cảm của con mình, khi trẻ nói con sợ người này người kia thì phải chú tâm tìm hiểu ngay và đừng coi đấy là chuyện của trẻ con mà bỏ qua.
Bố mẹ cũng cần dạy con khi bị bắt cóc thì phải làm gì. Trong nhiều trường hợp chỉ cần trẻ hét to để gây sự chú ý của người xung quanh có thể sẽ làm cho đối tượng bắt cóc không thực hiện được hành vi của mình. Nếu được trang bị kỹ năng trẻ có thể giữ an toàn cho mình và tìm cơ hội trốn thoát.
Trong trường hợp trẻ không may bị bắt cóc, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khuyến cáo phụ huynh không nên tự mình làm theo yêu cầu của đối tượng mà nên phối hợp và làm theo những chỉ dẫn của cơ quan công an.
"Gia đình phải có niềm tin tuyệt đối vào cơ quan chức năng, cung cấp những thông tin đã biết để dễ cho quá trình điều tra. Phụ huynh không nên tự mình làm theo yêu cầu của đối tượng mà nên phối hợp và làm theo những chỉ dẫn của cơ quan công an", bà Hòa khuyến cáo.
Qua sự việc này, bà Hòa khuyến cáo cha mẹ, nhà trường cần trang bị kỹ năng sống cho trẻ nhiều hơn nữa, không chỉ kỹ năng phòng chống bắt cóc mà nhiều kỹ năng khác như buôn bán người, xâm hại tình dục…
Nguồn tham khảo:
https://dantri.com.vn/an-sinh/sau-khi-giai-cuu-tre-bi-bat-coc-cha-me-can-lam-gi-20230816112857026.htm
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn