• 111
  • lang
  • lang

Sau vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ, cần bảo đảm tiêu chí 'Ngôi nhà an toàn' cho trẻ em

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến con số đáng báo động này, trong đó có những tai nạn thương tích có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ nếu người lớn dành sự quan tâm nhiều hơn để bảo vệ trẻ.

Một ngôi nhà an toàn cho trẻ rất cần sự quan tâm thường xuyên, kịp thời của người lớn. (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến con số đáng báo động này, trong đó có những tai nạn thương tích có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ nếu người lớn dành sự quan tâm nhiều hơn để bảo vệ trẻ.

Con số đáng báo động

Trong vụ cháy “chung cư mini” ở Hà Nội vừa qua, theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội có 30 người, bao gồm 1 giáo viên và 29 học sinh, là nạn nhân. Trong số 30 người này, có một số học sinh tử vong, giáo viên và các học sinh còn lại bị thương ở nhiều mức độ khác nhau. Từ vụ cháy có thể thấy “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em luôn là vấn đề rất cần sự quan tâm của toàn xã hội.

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi 15 - 19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến nhóm tuổi 5 - 14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0 - 4 chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.

Có thể thấy, 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích là con số đáng báo động. Cũng theo số liệu thống kê, ngoài nguyên nhân đuối nước đứng đầu bảng, còn rất nhiều tai nạn đáng tiếc khác xảy ra liên quan đến các tai nạn về điện hoặc điện giật, xâm hại tình dục, bỏng, ngã, cháy… những tai nạn đáng lẽ có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ nếu người lớn dành sự quan tâm nhiều hơn nữa để bảo vệ trẻ cũng như trang bị cho trẻ đầy đủ những kỹ năng tự bảo vệ thiết yếu.

Các nghiên cứu cho thấy, trẻ thường bị tai nạn thương tích trong chính ngôi nhà của mình, do trong nhà ẩn chứa nhiều yếu tố nguy cơ. Để phòng tránh các tai họa luôn có thể xảy ra với trẻ bất kỳ lúc nào, phải xây dựng ngôi nhà an toàn. Việc này mang lại nhiều lợi ích như: giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết được các mối hiểm họa xung quanh và trong nhà có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ; giảm đến mức thấp nhất các loại tai nạn thương tích ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng do các nguyên nhân trong sinh hoạt hàng ngày gây ra.

Từ năm 2008 đến nay, Cục Trẻ em (trước đó là Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em), Bộ LĐ-TB&XH với sự hỗ trợ UNICEF đã phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó việc đẩy mạnh xây dựng “Ngôi nhà an toàn” và “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Đây được xem là một trong những chiến lược phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng lâu dài và bền vững.

Đánh giá thực hiện tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ

Ngay sau vụ cháy “chung cư mini” ở Hà Nội, ngày 13/9/2023, Ủy ban quốc gia về bảo vệ trẻ em đã có Công văn số 3769/CV-UBQGBVTE gửi Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ VH,TT&DL, Bộ TT&TT; các cơ quan trung ương của các đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm môi trường sống an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Trong công văn, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt do cháy, nổ, đuối nước, giao thông; kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm về phòng ngừa tai nạn, thương tích, đặc biệt tai nạn, thương tích trẻ em do cháy, nổ, đuối nước, giao thông. Các cơ quan, địa phương tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí về “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn” (theo Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 06/5/2011 của Bộ LĐ-TB&XH; Quyết định số 170/2006/QĐ-BYT ngày 17/01/2006 của Bộ Y tế; Thông tư số 45/2021/TTBGDĐT ngày 31/12/2021 của Bộ GD&ĐT) để bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em.

Các cơ quan tăng cường truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, gia đình, cộng đồng dân cư về tạo lập môi trường sống an toàn, phòng ngừa tai nạn, thương tích trẻ em; Biểu dương, nhân rộng những tấm gương, điển hình cá nhân, tổ chức, cơ quan, chính quyền thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Các Bộ, ngành tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, gia cố, cải tạo, sửa chữa các công trình, vị trí có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em...

Ở chiều ngược lại, một ngôi nhà không được coi là an toàn cho trẻ là khi trong đó cha mẹ, người lớn, người chăm sóc trẻ thiếu sự giám sát, trông nom trẻ. Đồ đạc trong nhà sắp xếp thiếu ngăn nắp, không hợp lý dẫn đến trẻ có thể bị tai nạn thương tích do trẻ dễ tiếp xúc với các tác nhân như: tác nhân gây tai nạn giao thông; tác nhân gây điện giật; tác nhân gây rách da, chảy máu; tác nhân gây ngộ độc; tác nhân gây ngã; tác nhân gây đuối nước… Từ đây có thể thấy ngôi nhà thực sự an toàn cho trẻ là ngôi nhà không có các tác nhân gây nguy hiểm trên và để có một ngôi nhà an toàn rất cần sự quan tâm thường xuyên, kịp thời của các bậc phụ huynh, cơ quan chức năng.

Nguồn tham khảo:

https://baophapluat.vn/sau-vu-chay-chung-cu-mini-pho-khuong-ha-can-bao-dam-tieu-chi-ngoi-nha-an-toan-cho-tre-em-post488435.html

----

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn