• 111
  • lang
  • lang

Sự "chuyên nghiệp" của cha mẹ trong việc dạy con cái.

Vài ngày trước tôi tình cờ chứng kiến một người mẹ “điều binh” với một đứa trẻ tầm 2.5 tuổi khi bé mải ngồi bẹp xuống đường chơi say mê với mấy chú kiến mang chiếc lá về tổ. Câu “điều binh” của người mẹ như sau: “Ken, đi thôi con…n”. Nội dung câu nói rất bình thường, nhưng giọng điệu và cách nhấn giọng là câu nói rất chua ngoa và khó chịu, như hét vào tai trẻ và người đi đường. Hiển nhiên, đứa bé vẫn ngồi đó và người mẹ tiếp tục thêm 2-3 lời nữa, và cuối cùng phải chạy lại kéo bé đi và không ngừng nói vài lời nữa như “mẹ bảo con phải nghe, tại sao không nghe lời mẹ,..” trong lúc đi. Nhìn người mẹ tay xách nách mang nhiều túi đồ, có thể đoán được người mẹ đó vừa vất vả mua đồ trong siêu thị ra với 1 tâm trạng không tốt lắm.

Tuy nhiên, mới hôm qua, tôi cũng nhìn thấy 2 mẹ con khác. Cô bé cũng tầm 2-3 tuổi cứ chạy lòng vòng chậu hoa tím vàng tỏ vẻ quá thích thú với 2 cô bướm xinh xinh. Mẹ cô bé bảo “mẹ con mình cần về nấu cơm, chúng ta về thôi con.” Cô bé vẫn cứ mãi chơi. Mẹ cô bé nói tiếp: “ con có 5 phút để chào tạm biệt chị hoa và em bướm nhé”. Gần hết 5 phút, mẹ bé lại bảo: “chúng ta về thôi, đã hết 5 phút rồi”. Cô bé còn lưỡng lự, mẹ cô bé đi lại gần và nói” Laura nói bye đi con”, cô bé vẫy tay tạm biệt và 2 mẹ con vừa bước đi vừa nói về chuyện chị hoa và em bướm, về bữa ăn gia đình.

Hai tình huống tôi gặp thật sự không khó bắt gặp trong đời sống hằng ngày. Đôi lúc, cha mẹ sẽ có những khi mệt mỏi, khó giữ bình tĩnh với “tính khí” đang học hỏi của trẻ mà xử sự và giáo dục trẻ không được đúng. Xử sự theo kiểu “hùm báo” đã có nhiều nghiên cứu cho thấy có liên quan đến những tổn thương lớn cho trẻ về tâm sinh lý ở độ tuổi nhỏ và kéo dài về sau, cũng đồng thời làm trẻ khó mà tiếp thu cách giáo dục của cha mẹ, và hơn hết là trẻ sẽ nhanh chóng bỏ qua “sự răn đe” đó của cha mẹ và không cải thiện được tình huống lâu dài. Đôi lúc 1 số cha mẹ không bực nhọc hay khó chịu gì, chỉ là muốn thể hiện cách “hổ báo” để răn đe con trẻ. Tôi cũng hay nghe kiểu nói chuyện như quát vào mặt trẻ, mặc dù trẻ không làm gì quá đáng. Tuy nhiên, trẻ sẽ rất dễ nhận ra đó là cách giao tiếp thông thường của cha mẹ, thay vì có người giao tiếp nhỏ nhẹ, có người giao tiếp “hùm báo”, trẻ sẽ không học được cách răng dạy của bạn đúng nghĩa.

Cách xử lí "chuyên nghiệp" của cha mẹ.

Cha mẹ cần phải thể hiện sự chuyên nghiệp khi giáo dục trẻ nhỏ. Điều này được thể hiện qua:

1. Sự bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc của bản thân

2. Để trẻ có không gian điều chỉnh hành vi trước khi bạn hành động răng đe

3. Tránh đánh đập hoặc la mắng kiểu “hổ báo” vì đó là hành vi tồi tệ và thể hiện tính không chuyên nghiệp trong giáo dục.

4. Giải thích vấn đề cho trẻ sau sự việc

5. Hãy dùng 1 cách để xử lý trẻ cho mọi tình huống sai của trẻ. Sự không chuyên nghiệp là lúc này bạn vui bạn bỏ qua, lúc khác thì “làm quá”.

6. Biết xin lỗi trẻ nếu bạn xử sự bằng hành vi không đúng

2 bước để cha mẹ thể hiện tính chuyên nghiệp:

BƯỚC 1: Khi bé làm sai/ tỏ thái độ bất cần, bạn nên giữ bình tình để kiểm soát tình huống, có thể đếm thầm 1-10 trước khi hành động để tạo thời gian bạn suy nghĩ.

BƯỚC 2: Giải quyết vấn đề

1.Tách trẻ ra khỏi tình huống (đồ chơi, TV, bạn bè,…). Trẻ lớn thì bạn cất và giữ các món đồ.

2. Nghiêm nghị và giữ đúng mực thái độ cần thiết để trẻ có thời gian hiểu và điều chỉnh hành vi.

BƯỚC 3: Hãy động viên trẻ bằng ôm hôn, thể hiện bạn buồn khi trẻ làm sai, giải thích sao bạn buồn và lời hứa của trẻ không tái phạm.

Lời động viên và xin lỗi là cần thiết.

Nếu bạn lỡ la mắng bé không đúng hoặc dùng hành vi sai như đánh, mắng trẻ dù trẻ làm sai, bạn nên xin lỗi trẻ sau sự kiện đó. Đơn giản, đợi trẻ bình tĩnh lại hoặc cuối ngày, bạn có thể ôm hôn trẻ và nói là mẹ xin lỗi đã đánh con. Lúc này bạn nên dành thời gian giải thích vì sao trẻ sai mà làm bạn mất kiểm soát để đánh bé. Tuy nhiên, bạn không nên làm điều này quá 3 lần vì trẻ sẽ không còn nghe bạn nữa. Do đó, đánh con là điều nên tránh, nếu lỡ làm thì phải xin lỗi, giải thích và sẽ không tái phạm nữa. Điều này sẽ làm bạn vẫn giữ vị thế chuyên nghiệp trong mắt trẻ.

Nếu trẻ sai, và được bạn xử lý, sau đó trẻ cần lời động viên. Lời động viên như là cách thể hiện sự quan tâm của cha mẹ. Lời động viên gồm 4 phần: ôm trẻ, giải thích cho trẻ và nói là mẹ rất buồn khi con như vậy và khuyến khích 1 lời hứa từ trẻ. Điều này sẽ có ích cho lần sau nếu trẻ tái phạm và bạn sẽ thấy hành vi trẻ sẽ dần trở nên tốt hơn.

-------------

Notes

Information from your family doctor. How to teach good behavior: tips for parents. Am Fam Physician. 2002 Oct 15;66(8):1463-4.

--------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616