• 111
  • lang
  • lang

Tài liệu tập huấn Hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong thảm họa và tình huống khẩn cấp (Tài liệu dành cho Nhân viên công tác xã hội làm việc với trẻ)

Thảm họa (tự nhiên và do con người) đã, đang và sẽ gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe con người, môi trường và kinh tế của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

Cùng với những hậu quả sức khỏe như tử vong, chấn thương, thay đổi môi trường, tăng nguy cơ mắc bệnh của người dân, những tác động tâm lý xã hội, sức khỏe tâm thần sau thảm họa là rất phổ biến và làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng của cộng đồng chịu tác động của thảm họa.

Việt Nam là một trong 10 nước có số thảm họa tự nhiên (thiên tai) nhiều nhất trên thế giới. Do đặc điểm địa lý, Việt Nam chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai, trong đó bão và lũ lụt xảy ra với tần suất cao nhất và gây ảnh hưởng nặng nề nhất. Đai dịch Covid-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là đại dịch từ tháng 1/2020, và chính thức xác nhận đây là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu. Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng. Từ tháng 1/2020 đến cuối năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp dần thắt chặt ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh như cấm tụ tập đông người, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, phong tỏa các khu vực có mầm bệnh, cách ly xã hội, đóng cửa trường học, đóng cửa biên giới, v.v. Các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh đã dẫn đến những tác động tâm lý xã hội và sức khỏe tâm thần đến đa số người dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương. Làn sóng thứ 4 của đại dịch xuất hiện ở Việt Nam có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý người dân: một mặt hoang mang, lo sợ, căng thẳng, nhất là do đã xuất hiện các ca tử vong ở Việt Nam; mặt khác mệt mỏi, buồn chán, thất vọng.

Nhân viên công tác xã hội, nhân viên hỗ trợ tâm lý ở các đơn vị khác nhau của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - những người đã có kiến thức nền tảng về tâm lý học, công tác xã hội, khoa học xã hội (có bằng cử nhân về công tác xã hội, tâm lý học, KHXH) có vai trò quan trọng trong cung cấp các dịch vụ xã hội, hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho người dân. Trong khi nhân viên công tác xã hội thường xuyên được đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng cung cấp dịch vụ tham vấn tâm lý, những chương trình đào tạo về kiến thức hỗ trợ tâm lý xã hội và sức khỏe tâm thần trong thảm họa/tình huống khẩn cấp chưa được thực hiện. Cuốn tài liệu này được xây dựng nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu tăng cường năng lực hỗ trợ tâm lý xã hội và sức khỏe tâm thần của nhân viên công tác xã hội, nhân viên bảo vệ trẻ em, nhân viên tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, v.v., góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng chịu tác động của thảm họa.

Với mục đích đó, cuốn tài liệu tập huấn này được thiết kế để cung cấp cho nhân viên công tác xã hội, những kiến thức và kĩ năng hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội (SKTT &TLXH) sau thảm họa/khủng hoảng.

Tài liệu được xây dựng dựa trên đánh giá nhu cầu của nhân viên công tác xã hội của Bộ LĐTBXH và khảo sát thực trạng về hỗ trợ SKTT & TLXH ở các đơn vị của Bộ LĐTBXH, do nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Hướng nghiệp và Nghiên cứu, Ứng dụng Tâm lý (CRISP), trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thực hiện dưới sự hỗ trợ của UNICEF. Tài liệu nhằm phục vụ Chương trình tập huấn cho nhân viên công tác xã hội về hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong thảm họa do UNICEF Việt Nam phối hợp với Cục Trẻ em-Bộ LĐTBXH triển khai thực hiện.

Tài liệu này có mục tiêu giúp người học (nhân viên công tác xã hội, nhân viên tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, v.v.):

- Hiểu được các tác động tâm lý xã hội (TLXH) và sức khỏe tâm thần (SKTT) đến trẻ em, trong, ngay sau và lâu dài của thảm họa/khủng hoảng đến nhóm chịu tác động và trẻ em.

- Hiểu được nguyên tắc hỗ trợ SKTT và tâm lý xã hội trong thảm họa và các hướng dẫn hỗ trợ của các tổ chức liên quan (WHO, IASC).

- Có kĩ năng lập kế hoạch, chuẩn bị và điều phối tổ chức dịch vụ hỗ trợ nhiều tầng TLXH &SKTT trong thảm họa.

- Có kĩ năng huy động nguồn lực.

- Có kĩ năng Sơ cứu tâm lý.

- Có kĩ năng hỗ trợ tâm lý nhóm cho trẻ em trải qua thảm họa.

- Có kỹ năng chăm sóc bản thân để đề phòng kiệt sức.

- Có kỹ năng khuyến khích và tăng cường sự hồi phục cho học sinh và cho bản thân.

Tài liệu được chia thành 6 modun với cấu trúc:

Mở đầu là các kiến thức về thảm họa, và các tác động tâm lý, xã hội, sức khỏe tâm thần do thảm họa và/hoặc tình huống khẩn cấp gây ra.

Tiếp đến là khối kiến thức chung về hỗ trợ sức khỏe tâm thần (SKTT) và tâm lý xã hội (TLXH) trong thảm họa.

Modun 3 và modun 4 hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản để hỗ trợ tâm lý cho trẻ em trong và sau thảm họa.

Modun 5 giới thiệu về hỗ trợ tâm lý liên quan đến đau buồn do mất mát. Modun cuối cùng giới thiệu các lưu ý liên quan đến hỗ trợ nhóm trẻ em yếu thế và các lưu ý đề phòng kiệt sức với nhân viên hỗ trợ.

Tài liệu này được xây dựng dựa trên chương trình can thiệp tâm lý và sức khỏe tâm thần trong và sau thảm họa/tình huống khẩn cấp cho nhóm trẻ em do Quỹ chiến tranh và trẻ em Nauy soạn thảo(1) và các hướng dẫn về quản lý thảm họa do Hội chữ Hiểu được các tác động tâm lý xã hội (TLXH) và sức khỏe tâm thần (SKTT) đến trẻ em, trong, ngay sau và lâu dài của thảm họa/khủng hoảng đến nhóm chịu tác động và trẻ em. Hiểu được nguyên tắc hỗ trợ SKTT và tâm lý xã hội trong thảm họa và các hướng dẫn hỗ trợ của các tổ chức liên quan (WHO, IASC). Có kĩ năng lập kế hoạch, chuẩn bị và điều phối tổ chức dịch vụ hỗ trợ nhiều tầng TLXH &SKTT trong thảm họa. Có kĩ năng huy động nguồn lực. Có kĩ năng Sơ cứu tâm lý. Có kĩ năng hỗ trợ tâm lý nhóm cho trẻ em trải qua thảm họa. Có kỹ năng chăm sóc bản thân để đề phòng kiệt sức.Có kỹ năng khuyến khích và  tăng cường sự hồi phục cho học sinh và cho bản thân.

Trong cuốn tài liệu này, chúng tôi một lần nữa thay đổi, cải tiến sau những thử nghiệm. Tài liệu này được chuẩn bị như một tài liệu cơ bản cho học viên về hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong thảm họa nói chung, trong đó có đại dịch Covid-19, nhưng cũng có thể được sử dụng để gợi ý việc thực hiện các tập huấn cho những cán bộ khác  địa phương. Tuy nhiên, tài liệu này không nhằm sử dụng như nguồn tài liệu riêng lẻ để học về trị liệu tâm lý.

Tài liệu được chia thành 6 module:

MODULE 1: Sự kiện thảm họa và các tác động sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội
do thảm họa gây ra

MODULE 2: Mô hình 4 tầng hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong thảm
họa

MODULE 3: Các kỹ thuật hỗ trợ tâm lý ban đầu trong thảm họa gồm sơ cứu tâm
lý ban đầu và vệ sinh giấc ngủ.

MODULE 4: Các kỹ thuật hỗ trợ nhóm tập trung

MODULE 5: Hỗ trợ tâm lý liên quan đến đau buồn do mất mát

MODULE 6: Một số lưu ý liên quan đến hỗ trợ các nhóm trẻ em yếu thế và Đề
phòng kiệt sức với chuyên viên hỗ trợ.

Chúng tôi cũng rất chào đón các gợi ý và các nhận xét để làm phong phú hơn tài liệu này. Các thông tin phản hồi xin gửi đến PGS.TS Đặng Hoàng Minh, minhdh@ vnu.edu.vn, Nguyễn Thuận Hải-Trưởng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Cục Trẻ em, thuanhaidpcc@gmail.com và Nguyễn Thị Y Duyên, chuyên gia bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam, ntyduyen@unicef.org.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Link tải tài liệu:

https://drive.google.com/drive/folders/1RuH31_iB_Jp1ORAsWVtPOdy_XZBvL9hX

https://tongdai111.vn/thu-vien

----

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.