Nhiều bằng chứng cho thấy việc tương tác da kề da mang nhiều lợi ích cho trẻ trong việc điều hòa nhịp tim, nhiệt độ và hơi thở giúp trẻ dễ thích nghi với môi trường mới, cũng như kích thích sự phát triển một số vùng đặc biệt của não bộ.
Một nghiên cứu thú vị từ các nhà khoa học tại ĐH Harvard dẫn đầu là TS. Webb sẽ cho bạn thêm 1 lí do để làm điều này. Những đứa trẻ sinh non thiếu 2-4 tháng thường cũng sẽ thiếu vòng tay ấm áp và tiếng nói dịu dàng của mẹ mình vì phần lớn các bé sẽ phải nằm trong lồng ấp để tiếp tục phát triển. Tưởng chừng như những chiếc lồng ấp hiện đại như ở BV Brigham and Women tại Boston, Mỹ là quá lí tưởng cho sự phát triển của trẻ sơ sinh thiếu tháng, đặc biệt là một số vùng đặc biệt não bộ. Nhưng, thí nghiệm của nhóm TS. Webb lại cho thấy nó không thể tốt bằng những chiếc lồng ấp nếu có sự hiện diện của người mẹ. Một số lồng ấp của trẻ họ đã đặt thêm vào đó âm thanh của giọng nói và nhịp tim của mẹ những đứa trẻ này thông qua những cái loa nhỏ xíu trong 30 ngày. Kì diệu thay, cấu trúc não của những đứa trẻ này phát triển rất tốt, đặc biệt là vùng võ não. Nói cách khác, âm thanh từ mẹ của các bé thực sự có vai trò nổi bật khiến các bộ phận trong não của trẻ phát triển.
Ngoài ra, da kề da sau sinh có rất nhiều lợi ích khác cho cả mẹ và bé:
Bé được sưởi ấm, ổn định thân nhiệt, nhịp tim, nhịp thở và đường máu
Vấn đề duy trì nhiệt độ cơ thể cho bé là điều hết sức quan trọng. Sự chuyển tiếp đột ngột từ môi trường ấm áp trong tử cung ra môi trường ngoài chênh lệch nhiệt độ, cộng thêm làn da ẩm ướt khiến cơ thể bé rất dễ bị nhiễm lạnh. Thay vào đó, ngực của mẹ là vị trí lý tưởng và ấm hơn nhiều so với các vùng khác của cơ thể, ngay những phút đầu tiên khi tiếp xúc da kề da bé sẽ được sưởi ấm. Một điều quan trọng hơn sẽ giúp cho bé giảm bớt việc phải sản sinh ra năng lượng để giữ ấm cơ thể, bé bú sớm hơn, khỏe mạnh hơn, tránh được những cơn ngừng thở sinh lý; làm oxy trong máu tăng độ bão hòa; giúp điều hòa nhịp tim.
Bé ít quấy khóc hơn
Theo nghiên cứu, việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé chỉ trong vòng 20 phút đã giúp làm giảm 67-72% nồng độ cortisol (là một hoóc môn gây stress) trong cơ thể bé. Do vậy, với những bé được chăm sóc theo cách này thường ít quấy khóc và ít căng thẳng hơn
Tiếp xúc da kề da sau sinh là một sự trải nghiệm đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan cảm giác. Nhờ cách tiếp xúc này cơ thể bé nhanh chóng phát triển các đường dẫn truyền thần kinh – điều đặc biệt cần thiết cho sự trưởng thành của não.
Hơn nữa, tiếp xúc da kề da cũng thúc đẩy sự trưởng thành của các hạch hạnh nhân ( một bộ phận quan trọng nằm sâu trong trung tâm não). Các hạch này liên quan tới quá trình hình thành cảm xúc, phát huy khả năng ghi nhớ và kích hoạt hệ thần kinh giao cảm. Cũng nhờ phương pháp này mà bé ngủ sâu giấc hơn là một trong những yếu tố giúp bé phát triển khỏe mạnh toàn diện.
Tăng kích thích tiêu hóa và giúp bé tăng cân
Tiếp xúc da kề da với bé chỉ sau 1 giờ, hệ tiêu hóa của bé sẽ nhanh chóng được phục hồi về trạng thái cân bằng. Kích hoạt dây thần kinh phế vị, giúp tăng kích thước các vi mao trong lòng ruột bé sơ sinh. Giúp cho diện tích bề mặt ruột tăng và khả năng hấp thu chất dinh dưỡng được cải thiện.
Tiếp xúc da kề da cũng làm giảm hàm lượng cortisol và somatostatin (hocmone ức chế hocmone tăng trưởng) ở trẻ, tạo điều kiện cho bé hấp thu và tiêu hóa thức ăn tốt hơn và bé sẽ tăng cân nhanh hơn.
Tiếp xúc da kề da sau sinh giúp bé thu nạp các vi khuẩn quen thuộc từ làn da của mẹ. Đừng lo, vì điều này không gây nguy hiểm vì bé sơ sinh đã nhận được kháng thể chống lại đa số các vi khuẩn này ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Tiếp theo, cơ thể mẹ sẽ tiếp tục sản xuất các kháng thể chống lại vi khuẩn có trong môi trường. Lúc này, thông qua sữa mẹ các kháng thể được truyền sang con, giúp bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng.
Bé được bú sớm, sữa về sớm và nhiều hơn
Thực hiện tiếp xúc da kề da sau sinh tăng khả năng tìm đến nguồn sữa của mẹ. Bé sẽ ngậm bắt vú chính xác hơn và lâu hơn. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng tỷ lệ bé bú sữa mẹ sẽ tăng gấp đôi nếu bé được tiếp xúc da kề da ngay sau sinh thay vì bị quấn chặt trong tã.
Các bà mẹ thực hành tiếp xúc da kề da ngay từ đầu thường tiếp tục cho con bú nhiều hơn khi về nhà. Sự tăng trưởng hoóc môn Oxytocin và Prolactin của mẹ trong những giờ đầu sau sinh giúp tăng khả năng sản xuất sữa về lâu dài. Nhờ thực hành tiếp xúc da kề da tối thiểu 60 phút mỗi lần, 1-2 lần mỗi ngày mà với những mẹ đang gặp khó khăn khi cho con bú thường có được sự cải thiện rất nhiều.
Bảo vệ bé khỏi tác hại của việc tách khỏi mẹ
Nghiên cứu cho thấy bé bị cách ly khỏi mẹ có số lần khóc nhiều gấp 10 lần và thời gian khóc dài hơn 40 lần so với bé được tiếp xúc da kề da với mẹ. Những cơn khóc ngặt nghẽo thường không tốt cho bé sơ sinh và có thể ảnh hưởng tới chức năng phổi, làm tăng áp lực nội sọ, tăng hoóc môn gây trạng thái stress và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cảm xúc sau này của trẻ. Do vậy, tiếp xúc da kề da sau sinh là phương pháp được khuyến khích nhằm bảo vệ bé trước những tác hại từ việc tách mẹ.
Lợi ích da kề da sau sinh đối với người mẹ
Khi được đặt nằm trên ngực trần của mẹ, bé ở rất gần với nguồn sữa mẹ. Bé có thể nhìn thấy và cảm nhận núm vú/quầng vú, điều này có sức hút lớn, khuyến khích bé bắt đầu bú mẹ. Hơn nữa, bế con theo kiểu này cũng kích thích cơ thể mẹ giải phóng thành phần oxytocin. Đây được ví như là “hoóc môn tình yêu”, oxytocin sẽ giúp mẹ cảm thấy được thư giãn, bớt lo âu và gần gũi với con nhiều hơn.
Tiếp xúc da kề da sau sinh giúp khắc phục tất cả các nhược điểm khi bé sinh mổ. Khi sinh mổ thường dẫn tới một số hậu quả như mẹ bắt đầu cho con bú muộn hơn, giảm tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và tăng nguy cơ phải bổ sung sữa công thức.
Phương pháp da kề da cũng có thể được áp dụng trong các tình huống khác, chẳng hạn nếu bạn cần làm dịu những cơn quấy khóc hay cơn đói của bé, nếu bé thuộc dạng lười bú sữa. Người bố cũng có thể giúp mẹ bế con thực hiện da kề da bất cứ lúc nào thuận tiện, nhiều ông bố cho biết họ cảm thấy gần gũi, thân thiết với bé hơn khi thực hiện phương pháp này.
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061