Dù có thừa nhận hay không, việc cha mẹ thỉnh thoảng mất kiểm soát trước mặt con trẻ là những khoảnh khắc khó mà tránh khỏi. Có lúc sự giận dữ nhằm răn đe trẻ, có khi là để xả giận cho vấn đề khác, tuy nhiên cho dù vì bất kỳ lý do gì, các hành vi này đều sẽ để lại những ấn tượng tiêu cực khá sâu sắc cho con trẻ. Để có thể giúp cha mẹ hoá giải được nỗi lo lắng này, bài viết sẽ giới thiệu một vài cách thức đơn giản để cải thiện được hành vi và thái độ của cha mẹ trong những lúc căng thẳng nhất.
Nhiều khi cha mẹ quên mất việc con trẻ đang bên cạnh mình, phải chứng kiến cuộc đấu khẩu giữa cha mẹ, hoặc khi cha mẹ đang nổi giận với bản thân, với người khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi trẻ chứng kiến sự giận giữ thiếu kiểm soát quá nhiều, mà không có sự giải thích phù hợp hoặc bị ngó lơ sau khi phải trải nghiệm khoảnh khắc tiêu cực, thì tỷ lệ trẻ có nguy cơ trở nên cáu giận, giận dữ và căng thẳng hơn những trẻ khác nếu được giáo dục trong một môi trường ít căng thẳng hơn.
Hệ quả của các hành vi ứng xử tiêu cực từ cha mẹ
Ngoài ra, các chuyên gia cũng bổ sung thêm quan điểm rằng những ảnh hưởng tiêu cực từ việc thường xuyên chứng kiến sự tức giận của người lớn xung quanh, có thể khiến trẻ mất tập trung học tập, thậm chí là giảm khả năng thích ứng với thế giới xung quanh. Trẻ con thường coi cha mẹ, những người thân thuộc nhất, là cả thế giới với các em. Do đó, khi cha mẹ cáu gắt, việc phải chứng kiến cha mẹ giải toả cảm xúc tiêu cực, đối với trẻ tương đương việc phải chứng kiến thế giới của chúng đang bất ổn. Vậy nên cách cha mẹ biết hoá giải những cảm xúc tiêu cực, biết cách làm mình bình tĩnh trở lại hết sức quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến cách trẻ có thể điều tiết tâm trạng của bản thân. Cha mẹ cũng cần giúp trẻ hiểu rằng: con có thể tức giận, có thể bực bội nhưng con không nên có những hành động bộc phát như dùng vũ lực, hoặc dùng từ ngữ cay độc để tổn thương người khác.
Bên cạnh đó, với trẻ ở các độ tuổi khác nhau, cách các con phản ứng với sự giận dữ của cha mẹ sẽ khác nhau. Như ở độ tuổi dậy thì, trẻ khá nhạy cảm và dễ bộc phát bằng những câu trả lời ngang bướng, có thể gây căng thẳng giữa cha mẹ và các con. Cha mẹ có thể thử cố gắng kiềm chế trong vài giây và bước sang một căn phòng khác để cho mỗi bên có không gian riêng. Hành động này có thể giúp cả phụ huynh và trẻ lấy lại được phần nào bình tĩnh trước khi quay trở lại trao đổi cùng nhau.
Một phương án khác là cha mẹ cần nhận ra rằng việc la hét vào mặt đối phương khi giận giữ là không nên, và cha mẹ có thể nói thẳng với trẻ về quan điểm này nhưng đồng thời vẫn nên cứng rắn chỉ ra lỗi sai của con trẻ/ vợ/ chồng mình. Vì việc đổ lỗi cho con cái/ vợ/ chồng khi khiến mình mất kiểm soát sẽ đẩy chính bản thân phụ huynh vướng vào vòng lặp đổ lỗi - tức giận - mất kiểm soát. Do đó, nếu có thể, phụ huynh làm gương cho trẻ bằng việc hứa với con rằng phụ huynh sẽ thật cố gắng để chuyện này không lặp lại.
Hướng dẫn trẻ cách điều tiết cảm xúc tiêu cực
Do con trẻ không có nhiều kinh nghiệm sống, các con sẽ không hiểu được những câu chuyện đằng sau khiến con trở nên buồn bã, khó chịu. Ví dụ đối với người lớn, việc thua một ván của trò chơi có thể chỉ là do may rủi, nhưng đối với trẻ, đó có thể là một sự thất vọng cực kỳ to lớn. Một phần não bộ của trẻ chịu trách nhiệm điều tiết cảm xúc chưa hoàn toàn phát triển, do đó, con trẻ sẽ dễ bị xúc động khi tức giận. Một số gợi ý có thể giúp trẻ luyện tập việc kiểm soát cơn tức giận hàng ngày:
Thay đổi bắt đầu từ chính cha mẹ: Cha mẹ nên tự nhận thức về mức độ tức giận của bản thân và khả năng tự kiểm soát, điều tiết tâm trạng trước khi cố gắng thay đổi điều đó ở con trẻ. Việc la mắng hoặc lớn tiếng với con trẻ khi chúng hư có thể rất dễ dàng, nhưng khi phụ huynh hành động như đang mất kiểm soát trước mặt trẻ, làm sao phụ huynh có thể trông đợi trẻ có thể tự thay đổi được khả năng điều tiết cảm xúc?
Giúp trẻ hiểu rõ các dấu hiệu "đáng báo động": Khi con trẻ đang trong lúc hoàn toàn bùng nổ hoặc tràn đầy cảm xúc, việc cha mẹ cố gắng kiềm chế sự giận dữ bộc phát của trẻ gần như là không thể. Nhưng cha mẹ vẫn có thể hướng dẫn để trẻ nhận ra được khi nào con đang bực mình, khó chịu để trẻ tập điều chỉnh cảm xúc, và các con có thể hạn chế được các hành vi xúc động.
Tìm ra được nguyên nhân: Cha mẹ có thể nhận ra rằng, trong một số trường hợp nhất định, sẽ có người nào đó hoặc chuyện gì đó luôn khiến trẻ cảm thấy buồn bực, khó chịu. Có những yếu tố gây kích thích cho trẻ theo hướng tiêu cực mà cha mẹ luôn cần lưu ý và điều chỉnh để có thể tránh gây kích động cho trẻ. Ví dụ việc dậy sớm đi học có thể trẻ cần thời gian làm quen, trẻ có thể biểu hiện chậm chạp, không hợp tác, mè nheo. Do đó, để có thể giảm thiểu sự cập rập trong việc chuẩn bị đến trường, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ soạn quần áo, cặp sách và những vật dụng cần thiết vào lúc trước khi đi ngủ của hôm trước để sáng hôm sau trẻ có thể thuận lợi sửa soạn cá nhân, thay vì phải dậy sớm để sửa soạn mọi thứ.
Dạy cho trẻ những kỹ năng cân bằng cảm xúc: Khi trẻ đang trong trạng thái tinh thần ổn định, cha mẹ hãy cùng trẻ lên danh sách những biện pháp tích cực có thể áp dụng điều chỉnh các cảm xúc mạnh. Cha mẹ hãy cùng các em trao đổi, thử luyện tập và có thể ghi chú lại và dán ở nhiều khu vực trong nhà. Các kỹ năng ấy cần được điều chỉnh cho phù hợp với độ tuổi của trẻ, và khi trẻ dần trưởng thành, một số kỹ năng, biện pháp cần được thay đổi theo. Một số ví dụ về các kỹ năng trẻ có thể thực hành: hít thở sau, nắm bóp một quả bóng nhỏ trong lòng bàn tay, mở nhạc và trẻ tự do nhảy điệu nhảy giận dữ, tự mình ôm lấy mình thay vì đánh người khác. Với những trẻ lớn tuổi hơn, trẻ có thể dùng cách viết hoặc vẽ hết ra những gì trẻ đang suy nghĩ, sau đó xé vụn những mảnh giấy đó.
Khuyến khích và thường xuyên củng cố các hành vi ứng xử tốt: Cha mẹ hãy trao đổi thẳng thắn với trẻ về những hành vi có thể giúp trẻ tốt hơn và khuyến khích sự cố gắng tích cực của con trẻ. Trong sinh hoạt hằng ngày, cha mẹ có thể nói những câu khích lệ kèm theo lời cám ơn khi trẻ thực hiện như lời dặn dò của cha mẹ: Cám ơn con đã tự giác đánh răng và lên giường ngủ đúng giờ nhé; cha mẹ thấy vui khi con biết tự mình cất cặp sách đúng chỗ trước khi ra ngoài sân chơi với em. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể thưởng cho trẻ bằng cách cho phép trẻ sử dụng iPad hoặc thiết bị di động khác. Đồng thời, các mức hình phạt hoặc cảnh cáo cũng nên được áp dụng triệt để và nhất quán nếu trẻ có hành vi không phù hợp.
Dạy trẻ cách thể hiện quan điểm bằng lời nói: Khi con trẻ có thể kể với cha mẹ hoặc người thân của trẻ về những gì khiến trẻ cảm thấy khó chịu, tức giận, buồn bực, thực chất việc này đã giúp trẻ kiểm soát được cảm xúc tiêu cực của bản thân và hạn chế việc thể hiện ra ngoài nhiều hơn. Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ thể hiện bằng lời nói phù hợp, thay vì để trẻ trút cơn giận bằng các hành động tiêu cực.
------------
Nguồn tham khảo:
https://www.goodhousekeeping.com/life/parenting/tips/a13314/anger-management-parents/
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616