Đa phần các lớp mẫu giáo thường nhận trẻ lúc 3 tuổi và nhiều tổ chức giáo dục trên thế giới cũng đồng ý độ tuổi này là thời điểm nên đưa trẻ đến trường. Như chúng ta cũng biết giai đoạn trước 5 tuổi là giai đoạn rất quan trọng cho sự phát triển não bộ của trẻ bao gồm nhận thức, tư duy, kỹ năng giao tiếp và xã hội…Vậy đưa trẻ đến trường lúc 3 tuổi có là quá trễ không? Trong khi trẻ có thể mất 3 năm ở nhà có thể không hoặc ít học được kỹ năng hơn, đặc biệt khi trẻ sống với ông bà khi cuộc sống hiện nay cha mẹ đều bận công việc không chăm sóc và dạy dỗ trẻ được. Liệu việc những trẻ đến trường sớm hơn và được dạy dỗ bởi những người có chuyên môn giáo dục hoặc có phương pháp giáo dục sẽ tốt hơn là ở nhà cùng cha mẹ hoặc ông bà không?
Tạo hóa đã chọn Cha mẹ là người Thầy đầu tiên và quan trọng nhất với trẻ.
Theo TS. Schore, ĐH California, Los Angeles, Mỹ, bán cầu não phải sẽ phát triển sớm hơn và đạt 85% trước 3 tuổi. Điều này có thể hiểu: trẻ dưới 3 tuổi chủ yếu được điều khiển bằng não phải. Bán cầu não phải đảm trách những chức năng liên quan đến sáng tạo, tưởng tượng và điều hòa cảm xúc- điều mà có thể xảy ra phần lớn thông qua vui chơi và tương tác chính với cha mẹ.
Hãy thử tưởng tượng xem: đứa trẻ chỉ vừa 1 tuổi sẽ cảm thấy khó khăn như thế nào khi đặt vào môi trường xa lạ (lớp học) và cũng có nhiều áp lực từ người lạ (thầy cô, bạn bè) với ít sự chuẩn bị cho sự đối phó này. Nên nhớ rằng, độ tuổi này điều trẻ cần học là sự tương tác yêu thương, vui chơi qua lại và học cách điều khiển cảm xúc là quan trọng hơn tất cả. Do đó, sự hiện diện tương tác của cha mẹ trong giai đoạn trước 3 tuổi là ưu tiên và quan trọng để giúp trẻ chuẩn bị từ từ cho sự thích nghi tốt hơn từ môi trường nhỏ( nhà của mình) sang môi trường lớn hơn (lớp học, nhà văn hóa…)
Hơn nữa, người ta cũng thấy rằng những hormone sinh học kết nối giữa cha mẹ và con cái cũng tăng mạnh trong giai đoạn này. Ví dụ hormone oxytocin - hay còn thường được biết là hormone hạnh phúc đều tăng tiết đáng kể ở cả người bố và người mẹ trong suốt 2 năm đầu đời của trẻ. Và hormone này giúp họ khắng khít và tác động tích cực đến hoạt động học hỏi của não bộ của trẻ trong thời gian này.
Đó là lí do vì sao 3 tuổi được xem là thích hợp cho sự thích nghi của trẻ ở môi trường lớn hơn để học tập những kỹ năng mới (nhận thức, tư duy, giao tiếp…) – nơi mà có thể xem là 1 phần tác động không nhỏ của bán cầu não trái- vốn trễ hơn 1-2 năm. Cả hai bán cầu đều đạt hơn 90% khi trẻ bước qua 5 tuổi.
Liệu chuyên môn có thể thay thế được tình yêu của cha mẹ?
Nhiều quan điểm cho rằng: thay vì trẻ ở nhà với cha mẹ bận bịu hoặc những người không có chuyên môn giáo dục, có nên cho trẻ đến trường sớm hơn (trước 3 tuổi)- nơi mà có những cô giáo sẽ dành thời gian tương tác vui chơi với trẻ theo phương pháp giáo dục bài bản thay cho cha mẹ các bé. Điều này có tốt hơn không?
Đây là phần tôi rất quan tâm bởi chị tôi cũng từng hỏi tôi vấn đề này. Đến nay chưa có bằng chứng đủ mạnh để cho thấy trẻ nhỏ hơn 3 tuổi được chăm sóc bởi những người có chuyên môn giáo dục sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn là được chăm sóc bởi cha mẹ, thậm chí với trẻ có thời gian tương tác với cha mẹ thấp. Chỉ có thể thấy được rằng: vai trò của cha mẹ đã dành được rất nhiều quan tâm nghiên cứu và luôn được nhấn mạnh là có vai trò quan trọng cho trẻ dưới 3 tuổi. Thực tế, nếu bạn nghĩ rằng phải dành 8 tiếng hoặc toàn thời gian để chơi, tương tác với trẻ thì mới tốt, thì điều đó là không đúng. Chỉ cần 1 khoảng thời gian nhất định, nhỏ cũng được, nhưng cần lập lại và quan trọng hơn là nơi đó bạn dành tình yêu của bạn trong những điều bạn làm là quan trọng hơn tất cả.
Khi đọc sách của Mẹ Teresa, người từng đạt giải Nobel Hòa Bình 1979, tôi rất thích câu nói này của Người: “không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại.” Trong chăm sóc con cái cũng vậy, không phải bạn phải dành toàn bộ quỹ thời gian bạn có hay cố tìm một ai đó tốt hơn để thay thế bạn, chính bạn có thể tự làm và làm rất tốt nó, dù ít miễn là nơi đó có sự quan tâm và tình yêu to lớn của bạn đặt vào nó.
---
Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.
Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì
- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.