• 111
  • lang
  • lang

Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam tổ chức toạ đàm “Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục”. Sự kiện đã thu hút nhiều cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở trung ương và địa phương cùng tham gia.

Phát biểu khai mạc, bà Giang Thị Thu Thủy – Giám đốc Điều hành Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam cho biết, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, việc bị xâm hại tình dục không chỉ ảnh hưởng đến tuổi thơ mà cả cuộc đời sau này của các em bởi những sang chấn, tổn thương tâm lý lâu dài.

Bà Giang Thị Thu Thủy – Giám đốc Điều hành Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.

“Là tổ chức đi đầu trong công tác hỗ trợ cho những người trải qua bạo lực, xâm hại và bị buôn bán, trực tiếp cung cấp hỗ trợ cho các nạn nhân các nhu cầu về tâm lý, y tế, văn hóa và giáo dục, trong đó có trẻ em trải qua xâm hại tình dục, chúng tôi nhận thấy dù có mạnh đến đâu cũng không thể độc lập, tự giải quyết đơn lẻ mà cần có sự chung tay vào cuộc, sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, tổ chức để cùng nhau tạo ra sự ảnh hưởng sâu rộng có tác động tích cực đến trẻ em và cộng đồng”, bà Giang Thị Thu Thủy chia sẻ.

Thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục

Theo số liệu của Bộ Công an, từ tháng 6/2018 đến năm 2020, toàn quốc phát hiện 4.795 vụ xâm hại trẻ em với 4.914 em bị xâm hại (581 nam, 4.333 nữ). Riêng năm 2020, xảy ra 1.945 vụ với 2.008 trẻ em bị xâm hại.

Bà Nguyễn Thuận Hải - Trưởng Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, số cuộc gọi đến 111 là 238.500 cuộc (năm 2021 là 507.861 cuộc, năm 2022 là 368.346 cuộc). Trong đó, có 92 ca gọi đến cần hỗ trợ, can thiệp về xâm hại tình dục (năm 2021 là 205 ca, năm 2022 là 170 ca). Đáng lưu ý, có tới 83 trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục có nhu cầu cần được hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thuận Hải - Trưởng Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 báo cáo các ca trẻ em bị xâm hại tình dục đã được 111 hỗ trợ trong các năm gần đây.

Phân tích tổng số 467 ca gọi đến có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp xâm hại tình dục trong các năm 2021, 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, số ca trẻ em bị xâm hại (dưới 16 tuổi) là 440 ca, với 442 trẻ em. Trong 442 trẻ em bị xâm hại tình dục có 426 trẻ em gái (chiếm 96,4%) và 16 trẻ em trai (chiếm 3,6%). Nhiều trẻ em tuổi còn rất nhỏ đã bị xâm hại tình dục (14 trẻ em từ 0-3 tuổi, 33 trẻ em từ 4-6 tuổi). Điển hình như trường hợp bé gái 5 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị xâm hại dẫn đến tử vong; bé gái 2 tuổi ở Bình Thuận bị xâm hại tình dục bởi người quen của gia đình. Có tới 28,2% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người thân của trẻ.

Ths. Tô Thị Hạnh - Cố vấn chương trình Hỗ trợ dựa trên sự hiểu biết về sang chấn tâm lý của Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam cũng cho biết, qua thực tiễn hỗ trợ của tổ chức này đối với 39 trẻ em và 51 người trên 18 tuổi bị xâm hại tình dục trong 5 năm qua, thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là cha, cha dượng, người quen biết của gia đình, hàng xóm, bạn quen qua mạng, bạn trai…

Ths. Tô Thị Hạnh - Cố vấn chương trình Hỗ trợ dựa trên sự hiểu biết về sang chấn tâm lý của Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục của Hagar.

Đa số các vụ xâm hại trẻ em thường diễn ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với diễn biến phức tạp. Các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau nhưng phần lớn trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn hạn chế. Nạn nhân thường là trẻ dưới 16 tuổi và chủ yếu là trẻ em gái.

Hệ quả của việc bị xâm hại đối với nạn nhân là trẻ em không dừng lại ở những tổn thương trước mắt mà còn có thể để lại ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống sau này.

Mặt khác, trẻ em trải qua xâm hại tình dục có nguy cơ tăng gấp 2-3 lần tái trở thành nạn nhân khi trưởng thành.

Những khó khăn đối với cán bộ địa phương khi hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục

Tại tọa đàm, bà Trần Thanh Huyền – Cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái cho biết, theo số liệu của ngành Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Yên Bái, trong 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 13 vụ xâm hại trẻ em (trong đó 11 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục). Các vụ xâm hại chủ yếu xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bà Trần Thanh Huyền - Cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái trình bày một số thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục tại địa phương.

Theo bà Trần Thanh Huyền, trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại tình dục đối diện rất nhiều khó khăn. Các em không nói được tiếng phổ thông, thậm chí mẹ các em cũng vậy. Hội Phụ nữ muốn hỗ trợ tâm lý hoặc cung cấp các kiến thức về kỹ năng sống cho trẻ bị xâm hại gặp không ít khó khăn, phải nhờ tới người phiên dịch.

Ngoài ra, khi hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục, cán bộ Hội Phụ nữ địa phương cũng gặp phải một số khó khăn phổ biến như một số trẻ bị xâm hại tình dục ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, các gia đình ưu tiên nhiều hơn về những khó khăn vật chất, chưa ưu tiên hỗ trợ tinh thần cho trẻ. Nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, cán bộ Hội phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác.

Để giảm thiểu thấp nhất trẻ em bị xâm hại tình dục, theo bà Trần Thanh Huyền, cần có sự phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa các đoàn thể với các cơ quan chức năng. Cần tăng cường công tác phòng ngừa, nâng cao nhận thức về xâm hại tình dục và luật pháp liên quan; lồng ghép vào chương trình kỹ năng sống trong trường học. Nhận diện và can thiệp sớm giúp tăng niềm tin vào pháp luật và góp phần vào giảm hậu quả liên quan đến thể chất, tinh thần… của trẻ và gia đình. Nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ trong hệ thống bảo vệ trẻ em để hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là các hoạt động như sơ cứu tâm lý ban đầu và giảm sự kỳ thị, tái sang chấn cho trẻ.

Các đại biểu tham dự tọa đàm cùng chụp ảnh lưu niệm.

Hợp tác cùng một số địa phương trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục, Ths. Tô Thị Hạnh cho biết, thời gian qua, Hagar đã nỗ lực tham vấn về quyền và pháp lý cho trẻ và gia đình; phòng ngừa tái sang chấn với trẻ trước, trong và sau khi trẻ tham gia vào quá trình y tế, pháp lý và quay trở lại trường học, thúc đẩy niềm tin vào công lý cho trẻ và gia đình thông qua các cuộc họp trao đổi giữa gia đình và chính quyền …

Sau khi được hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn, trẻ đã có niềm tin và có mối quan hệ kết nối với người trợ giúp; trẻ sẵn sàng chia sẻ với người hỗ trợ và kết nối được với bên thứ ba (công an, bác sĩ, luật sư và kết nối lại với người chăm sóc); trẻ thấy được tôn trọng, được hiểu; trẻ chấp nhận sự việc đã xảy ra trong quá khứ; trẻ hiểu về quyền, lợi ích và nhìn nhận hợp lý sau sự việc.

“Mỗi một lần tiếp xúc giữa người hỗ trợ với trẻ có thể như một lần giúp làm se vết thương, như nhỏ một dung dịch khử trùng hay giúp băng vết thương - hạn chế tiếp xúc với khói bụi độc hại”, Ths. Tô Thị Hạnh chia sẻ.

Buổi toạ đàm với chủ đề “Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục” được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức và thúc đẩy tinh thần hợp tác, phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục. Đây là cơ hội để những người làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận các giải pháp mang tính đột phá để tăng cường hiệu quả trong công tác phối hợp, tạo môi trường thuận lợi để trẻ em có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền trẻ em, lấy trẻ em làm trung tâm, hỗ trợ dựa trên sự hiểu biết về sang chấn… để có thể đồng hành, hàn gắn và chữa lành vết thương tâm lý.

Nguồn tham khảo:

https://baodansinh.vn/thach-thuc-va-giai-phap-trong-cong-tac-ho-tro-tre-em-trai-qua-xam-hai-tinh-duc-20231026215523.htm

----

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn