• 111
  • lang
  • lang

Thầy cô thấu hiểu hoàn cảnh sống của học sinh có vai trò quan trọng trong hành trình kỷ luật tích cực (Phần 1)

Thầy cô là một trong những người có cơ hội tiếp xúc với nhiều trẻ em trong những năm tháng các con đến trường. Thầy cô làm công tác giáo dục, giảng dạy cho trẻ, đồng thời hỗ trợ nuôi dưỡng lối sống, cách ứng xử, quan điểm của các em. Trong khi phụ huynh có trách nhiệm với con cái của riêng mình, thì người nhà giáo phải chịu trách nhiệm với rất nhiều em, có nhiều tính cách khác nhau, cùng một lúc. Mỗi thầy cô đều có thể biểu hiện sự quan tâm đến học sinh theo cách khác nhau. Tuy nhiên, một số nguyên tắc căn bản trong việc đối xử với các em học sinh vẫn cần được tuân theo, để có thể xây dựng một môi trường giáo dục tích cực và khuyến khích học sinh phát triển bản thân.

Khi học sinh có lối ứng xử chưa phù hợp, ngoài việc áp dụng các biện pháp KLTC, thầy cô nên tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của trẻ để có một góc nhìn khác về trường hợp riêng của từng em.

Thầy cô và bạn bè trong trường lớp không phải là những cá thể duy nhất ảnh hưởng đến con trẻ. Quan điểm sống, lối ứng xử của trẻ là sản phẩm của cả một quá trình học hỏi, hấp thu từ nhiều nguồn khác nhau. Do đó, nơi trẻ sinh sống, trưởng thành như gia đình, cộng đồng, khu vực nơi ở của trẻ cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến trẻ. 

Cách một bạn trẻ cư xử trong lớp học có thể là phản ánh sự lo lắng trong cuộc sống gia đình, phải đối mặt với những khó khăn ngoài trường học. Thầy cô cần cẩn thận khi suy xét đến phản ứng của trẻ, vì có thể một số hành vi ứng xử chưa đúng không phải là một hành vi vi phạm kỷ luật. Trẻ có thể gặp vấn đề với gia đình, và các con đã phản ứng, thể hiện ra sự thất vọng khi đến lớp với thầy cô, bạn bè. Trong trường hợp thầy cô vội vàng đánh giá, ra quyết định "phạt" trẻ, hành động này có thể xem là hiểu lầm. Sẽ có thầy cô gán tội cho trẻ dù đó không phải là lỗi của trẻ. Quá trình này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển hành vi của trẻ trong tương lai. 

Do đó, để có thể góp phần giúp trẻ hoàn thiện hành vi ứng xử, thầy cô cần hiểu môi trường mà trẻ phát triển, học tập, những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của trẻ, ở mức độ cá nhân, gia đình, cộng đồng.
 

1/ TỈM HIỂU VỀ BẢN THÂN TRẺ
- Nếu trẻ có xu hướng muốn, lao động, làm việc hơn là đi học:
Một số trẻ có cảm giác rằng con nên ở nhà, hoặc đến đâu làm việc để giúp đỡ gia đình, và không muốn có mặt ở lớp học, nên trẻ sẽ thể hiện ra mình muốn thoát khỏi trường lớp. Các em chỉ mới nhận thức rằng bản thân thích đi làm kiếm tiền trong thời gian ngắn, hơn là được đi học để đảm bảo kinh tế gia đình cho mục đích lâu dài. Việc thầy cô cần làm là giúp trẻ nhận ra lợi ích của giáo dục và cách ứng xử phù hợp sẽ là một nguồn vốn to lớn để các em có thể sử dụng trong tương lai. Ngoài ra, thầy cô có thể giới thiệu cho các em về chương trình học nghề nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, để có thể đảm bảo quyền lợi cho các em.

Bên cạnh đó, việc trẻ em gái thường được phân công chăm sóc em nhỏ, hoặc làm việc nhà, chuẩn bị thức ăn cho gia đình… hàng ngày, cũng có thể gây khó khăn cho việc dành thời gian để học tập, chuẩn bị bài vở, thậm chí là đi học muộn, ngủ gật trong lớp do mệt mỏi. Với những trường hợp này, thầy cô có thể dành nhiều sự chú ý, quan tâm hơn cho các em, hoặc giảm một phần bài tập, gợi ý các em học theo nhóm, theo đôi, hướng dẫn kỹ hơn về bài tập ngay trong lớp. 

- Khi trẻ mắc bệnh, bị suy dinh dưỡng, thiếu sức khoẻ:
Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý, nên nếu trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc có vấn đề về sức khoẻ, thì việc học tập của trẻ trở nên khó khăn hơn những trẻ khác.

Nhóm trẻ em này thường đến từ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc có bữa cơm đủ chất hàng ngày dường như là một điều xa xỉ. Bệnh tật, hoàn cảnh gia đình không đảm bảo được phần ăn của các em sẽ khiến các em mất tập trung vào việc học, khiến cho thành tích các em xuống dốc. Khi biết thành tích học tập của bản thân không tốt, các em cảm thấy bản thân kém cỏi, tự ti, bị bạn bè trêu chọc có thể dẫn đến các hành vi chưa đúng. Để có thể giúp đỡ nhóm trẻ em này, nhà trường cần tăng cường chế độ dinh dưỡng bằng bữa xế, bữa trưa, liên hệ của các tổ chức cộng đồng và cơ sở ý tế để thăm khám cho trẻ thường xuyên.

Mời theo dõi phần 2 tại đây

-------------
Nguồn tham khảo:  https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000149284

-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616