• 111
  • lang
  • lang

Thầy cô thấu hiểu hoàn cảnh sống của học sinh có vai trò quan trọng trong hành trình kỷ luật tích cực (Phần 2)

Trong khi phụ huynh có trách nhiệm với con cái của riêng mình, thì người nhà giáo phải chịu trách nhiệm với rất nhiều em, có nhiều tính cách khác nhau, cùng một lúc. Mỗi thầy cô đều có thể biểu hiện sự quan tâm đến học sinh theo cách khác nhau. Tuy nhiên, một số nguyên tắc căn bản trong việc đối xử với các em học sinh vẫn cần được tuân theo, để có thể xây dựng một môi trường giáo dục tích cực và khuyến khích học sinh phát triển bản thân. Mời theo dõi phần 2 của bài viết.

1/ VỀ BẢN THÂN TRẺ

- Khi trẻ có lịch sử bị bạo hành: 
Nỗi sợ hãi khi bị đối xử thô bạo trên đường đến trường, hoặc trong lớp học (một hình thức trừng phạt thân thể) có thể khiến cho nhiều em học sinh chán nản việc học và không muốn đến lớp. Đồng thời, việc đối xử bằng bạo lực ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng của các em học sinh, khiến các em cảm thấy bản thân kém cỏi. Giáo viên có thể giúp các em ghi nhận lại những địa điểm xung quanh trường, trên đường đến trường có dấu hiệu của người dùng bạo lực bắt nạt học sinh. Thầy cô, nhà trường cũng nên làm việc với cơ quan chức năng của địa phương, hội phụ huynh học sinh để có các hoạt động hỗ trợ, theo sát tình hình an toàn của các em khi đến trường. Ngoài ra, việc thực hiện khảo sát giấu mặt với các em học sinh cũng là một bước quan trọng khi tìm hiểu những nguy cơ bạo lực còn tồn tại. Cuối cùng, chính trường học phải là nơi mạnh mẽ phản đối việc dùng bạo lực để trừng phạt, và khẳng định lại các quy tắc ứng xử phù hợp trong môi trường sư phạm.


- Khuyết tật hoặc cần sự trợ giúp đặc biệt:
Nhiều học sinh có đặc điểm khuyết tật nhẹ hoặc có nhu cầu trợ giúp đặc biệt có thể tham gia lớp học như những học sinh bình thường, ví dụ như khả năng nghe, nhìn kém, hoặc bệnh tăng động khó tập trung (ADHD). Những học sinh có đặc điểm này cần được biết đến để thầy cô có cách giải quyết phù hợp khi các em mất tập trung, kết quả học tập không tốt, hoặc quá tăng động trong giờ học, thay vì cho rằng đó là lỗi ứng xử thông thường. Trường học và thầy cô nên kết hợp để cùng đưa ra các hình thức hỗ trợ phù hợp để giúp các em hoà nhập vào lớp học.

 

2/ VỀ GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRẺ ĐANG CÙNG SINH SỐNG
Gia đình và cộng đồng nên là lớp chắn bảo vệ, chăm sóc trẻ đầu tiên, là nơi hiểu được những vấn đề trẻ đang phải đối đầu, và là những người hành động đầu tiên để giải quyết vấn đề một cách bền vững. Sau đây là một số điểm chính mà gia đình và cộng đồng cần cân nhắc về việc liệu trẻ có đi học hay không, và nếu có trẻ sẽ biểu hiện như thế nào? Có bất kỳ yếu tố nào từ gia đình, cộng động, văn hoá lại ảnh hưởng đến quyết định và thái độ đến trường của trẻ không?


- Vấn đề nghèo đói và ý nghĩa thực tiễn của việc giáo dục
Sự nghèo đói có những ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập và thái độ của trẻ với việc học trong trường lớp. Bởi vì rào cản kinh tế, cha mẹ của gia đình nghèo khó thường bị áp lực phải kiếm tiền để đáp ứng những nhu cầu sống cơ bản hàng ngày cho cả gia đình. Từ đó, các em cũng chịu áp lực phải làm ra tiền để giúp đỡ gia đình, hoặc chi trả học phí cho bản thân các em. Những hành vi thường xảy ra khi phụ huynh trong gia đình có quan điểm rằng giáo dục không mang đến nhiều lợi ích đối với cuộc sống hàng ngày. Do đó, nhiều cha mẹ sẽ không hiểu được lý do trẻ em cần đến trường và không quan tâm đến biểu hiện của các con trong trường lớp. Phụ huynh thậm chí nghi ngờ chất lượng giáo dục tại địa phương không đủ tốt, hoặc cảm thấy rằng việc đi học không thực tiễn bằng những kỹ năng làm các công việc khác.

Bởi vì lí do của nghèo đói là kinh tế không vững vàng, đầy đủ, nên cần dùng đến các chiến lược hiệu quả để tiếp cận được các em học sinh có kinh tế khó khăn, thuyết phục các em đến trường, tiếp tục học tập. Vì vậy, việc tìm hướng đi giúp đỡ kinh tế gia đình các em ngắn hạn và dài hạn rất quan trọng trong quá trình hỗ trợ các em được học tập tích cực, không bị gián đoạn.


- Không chăm sóc trẻ đầy đủ
Bởi vì nhu cầu kiếm tiền nuôi gia đình, mà nhiều cha mẹ không thể dành nhiều thời gian cho con trẻ hàng ngày. Có trường hợp cha mẹ các em phải di cư đến tỉnh thành khác để làm việc trong một khoảng thời gian, và gửi con cho ông bà, họ hàng. Khi trẻ đến sống cùng người khác ngoài cha mẹ có thể không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, kịp thời, dẫn đến việc mắc bệnh hoặc ăn uống thiếu chất. Đồng thời, việc học của trẻ có thể sẽ không được chú trọng cũng như không quan tâm đến thành tích học tập ở trường của trẻ.

Việc giải quyết những vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của riêng thầy cô. Để có thể dành cho trẻ một môi trường phát triển, giáo dục toàn diện, nhà trường cũng cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với gia đình, với các cơ quan chức năng liên quan, các tổ chức địa phương nhằm xác định vấn đề, và cùng nhau nỗ lực giải quyết.

-------------

Nguồn tham khảo:  https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000149284

-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616