Vận động thể chất đã trở thành phần không thể thiếu trong giáo dục con của nhiều gia đình hiện đại. Đó là dấu hiệu đáng mừng cho thế hệ tương lai mạnh mẽ và năng động hơn.
Trào lưu cả nhà cùng… vận động
Tại các giải marathon, các cuộc chạy bộ cấp quận, thành phố diễn ra gần đây dễ dàng bắt gặp hình ảnh cả gia đình gồm cha mẹ, con cái cùng tham gia các đường chạy ngắn. Những hình ảnh ấy cho thấy xu thế mới của cư dân đô thị.
Ngoài chú trọng tri thức và kĩ năng sống, nhiều gia đình đã quan tâm đến rèn luyện vận động thể chất cho trẻ. Đó có thể là các bài tập hàng ngày của trẻ nằm trong và ngoài giáo trình học. Đó cũng có thể là “giờ thể dục” của cả gia đình. Hoặc những chuyến hành trình các phụ huynh tạo ra để con trẻ có cơ hội kết nối thiên nhiên và nâng cao các kĩ năng vận động.
Chị Nguyễn Phan Vân Quỳnh, chủ doanh nghiệp Vệ sinh Đông Sài Gòn chia sẻ: “Trước đây tôi không để ý nhiều, chỉ lo cho con học tập, rèn luyện năng khiếu. Nhưng hơn một năm nay, nhất là thời điểm dịch, con phải ở nhà nhiều mới bắt đầu thay đổi suy nghĩ, hướng cho con rèn luyện thể chất. Hơn một năm nay, cả nhà đều dậy lúc 5h sáng, cùng nhau đi bộ vòng quanh khu dân cư đang sinh sống với mục tiêu ít nhất 6.000 bước chân (tương đương 4km). Ngày mưa cả nhà có thể cùng tập yoga trong nhà.
Ngoài ra, trong lịch học hàng ngày, hai con tôi tùy vào độ tuổi đã có chương trình rèn luyện thể chất... Từ khi chú trọng rèn luyện thể chất, cả hai cháu đều năng động, tự tin hơn, phát triển hình thể hơn các bạn đồng trang lứa. Tết vừa qua, cả gia đình đi ô tô xuyên Việt 15 ngày để rèn luyện cho các con và kết nối các thành viên, các cháu tham gia hào hứng và không bị đuối trong suốt hành trình”.
Có thể thấy, việc hướng trẻ đến rèn luyện thể chất có tác dụng lớn đến sự phát triển toàn diện của con và tác động đến cả đời sống gia đình. Trẻ khỏe mạnh hơn, có được tinh thần tốt và phát triển trí tuệ, có thói quen sống lành mạnh. Không chỉ thế, thông qua việc cùng con vận động còn giúp gia đình kết nối với nhau hơn, thấu hiểu và yêu thương nhau hơn.
Dạy con vận động thế nào?
Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, việc rèn luyện, dạy con vận động cần có phương pháp khoa học, dựa trên thể chất của mỗi trẻ, không theo cảm tính hay suy nghĩ chủ quan của phụ huynh. Phụ huynh cần trang bị kiến thức đúng đắn trước khi bắt đầu cho con rèn luyện thể chất và các kĩ năng vận động.
Chị Bùi Thị Kim Dung, ngụ phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, mẹ của hai cô con gái nhỏ chia sẻ bí quyết dạy con vận động: “Phương pháp của mình là đặt ra mục tiêu giáo dục thể chất cho con thông qua từng giai đoạn, ví dụ, hết lớp 1 phải biết đi xe đạp 2 bánh, biết bơi. Thỉnh thoảng cũng cập nhật môn vận động mới để 2 bạn nhỏ tự vượt qua.
Ngày nghỉ, thay vì đi du lịch thông thường, cả nhà thường tổ chức đi dã ngoại để kết hợp cho con rèn luyện. Trong mỗi chuyến đi, con sẽ được đặt ra mục tiêu, sử dụng không chỉ sức khỏe mà toàn bộ kĩ năng để đạt mục tiêu ấy. Ví dụ chuyến leo núi Chứa Chan, suốt quá trình di chuyển, con phải vận dụng đầu óc, leo như thế nào để không bị trượt ngã lúc trời mưa, làm sao để phân bổ sức lực khi quãng đường phải di chuyển tầm 3 giờ đồng hồ...
Lợi ích của việc vận động là quá rõ ràng, các con mình giờ có thể chơi dưới trời nắng liên tục mà chẳng cần mũ nón, hoặc có thể tắm mưa thoải mái, chịu lạnh giỏi và sức để kháng cực kì tốt, nhanh nhẹn, lạc quan, yêu đời”.
Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, chuyên gia về cơ xương khớp tại TP HCM cho biết, việc cho con vận động, đặc biệt là vận động mạnh cần xem xét vấn đề thể trạng và có quá trình chuẩn bị, không phải “người ta sao mình vậy”. Rất nhiều người bị tổn thương khớp gối nặng chỉ vì phong trào thấy người khác đi bộ, chạy thể dục, mình cũng phải chạy cho bằng được. Phải đảm bảo các bài tập căng giãn trước và sau tập thể dục. Sau những ngày tập căng thẳng là những ngày nhẹ nhàng cho cơ thể hồi phục.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng đưa ra lời khuyên, chạy marathon tuy tốt cho sức khỏe nhưng là môn thể thao dành cho những người hướng đến tập luyện chuyên nghiệp chứ không phải “thể thao phổ thông”. Vì thế, các gia đình nên cân nhắc lựa chọn cho con những môn thể thao phù hợp để tránh tổn hại đến sức khỏe của trẻ.
Theo Ngọc Mai - báo Pháp luật
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616