.png)
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng lộ trình miễn viện phí toàn dân, trước mắt ưu tiên trẻ em và chuyển trọng tâm từ chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe
Chiều 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho ý kiến xây dựng dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong kỷ nguyên mới. Thủ tướng nhấn mạnh ngành y tế cần thay đổi từ tư duy "chữa bệnh là chính" sang "chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chiều 17/5. Ảnh: NHẬT BẮC
Việc triển khai chăm sóc sức khỏe theo mô hình chính quyền hai cấp phải bảo đảm tiếp cận y tế công bằng cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ngành y tế cũng phải lưu ý đến nhiệm vụ nâng cao thể lực người Việt, đối phó già hóa dân số, phát triển công nghiệp dược, vaccine và thúc đẩy chuyển đổi số trong y tế, xây dựng bệnh viện thông minh.
Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị đề xuất nhiều nhiệm vụ cụ thể như bảo đảm tiêm chủng, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cung ứng thuốc và thiết bị y tế, phát triển y tế tư nhân, tăng cường y tế dự phòng, cơ sở và y học cổ truyền. Ngoài ra, Nghị quyết cũng đề cập đến việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực y tế.
Chủ trương tiến tới miễn viện phí cho nhân dân được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV và yêu cầu đưa vào dự thảo Báo cáo Chính trị. Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh quan điểm này trong nhiều sự kiện gần đây, yêu cầu các cơ quan nghiên cứu đề án miễn viện phí toàn dân giai đoạn 2030 - 2035.
Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, để bảo đảm mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ một lần mỗi năm, ngân sách cần khoảng 25.000 tỷ đồng, với chi phí trung bình 250.000 đồng/lần cho dân số 100 triệu người.
Xây dựng lộ trình phổ cập tiếng Anh
Tại phiên họp, Thủ tướng cũng góp ý dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu có chương trình đào tạo nhân tài, xây dựng đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất và có giải pháp tiếp cận giáo dục công bằng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị xây dựng lộ trình phổ cập ngoại ngữ cho học sinh phổ thông, trong đó tiếng Anh là trọng tâm, cùng với giáo dục văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ và thể chất nhằm phát triển toàn diện năng lực học sinh. Giáo dục nghề nghiệp cần phân luồng đào tạo, nâng cao kỹ năng để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu lao động. Giáo dục đại học và sau đại học phải tập trung vào hai đột phá là chất lượng, quy mô, đồng thời thúc đẩy tự chủ, quy hoạch lại hệ thống trường lớp và đào tạo các ngành mới nổi.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu chiều 17/5. Ảnh: NHẬT BẮC
Theo đề án xây dựng dự thảo, định hướng nghị quyết sẽ tập trung vào mở rộng tiếp cận giáo dục công bằng; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; hiện đại hóa giáo dục đại học; phát triển nhân lực chất lượng cao và nhân tài công nghệ; thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết nêu một loạt giải pháp đột phá như: đổi mới quản lý nhà nước, giải phóng tiềm năng sáng tạo; cải cách cơ chế tài chính, nâng hiệu quả sử dụng ngân sách và xã hội hóa đầu tư giáo dục; hiện đại hóa cơ sở vật chất; chuyển đổi số toàn diện; phổ cập tiếng Anh, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp, tiếp tục lấy ý kiến từ các chủ thể liên quan để hoàn thiện đề án, tờ trình và chương trình hành động, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua.
https://baohaiduong.vn/thu-tuong-som-mien-phi-kham-chua-benh-cho-tre-em-411791.html
__
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111
+ Youtube: Tổng đài 111
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.