Sáng 19-7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức Chương trình truyền thông STEMherVN và Lễ trao giải Cuộc thi Em yêu STEM.
Quang cảnh chương trình.
Chương trình được thực hiện bởi Trường Đại học Giao thông vận tải và Viện MSD - United Way Việt Nam với sự hỗ trợ tài chính của Tập đoàn 3M trong khuôn khổ dự án STEMherVN - thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Theo bà Trần Vân Anh, đại diện Viện MSD, dự án STEMherVN hướng đến thúc đẩy sự tham gia, trao quyền, trao cơ hội cho nữ sinh có thể tự tin theo đuổi đam mê, sở thích trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học; phá bỏ rào cản, định kiến, phân biệt đối xử trên cơ sở giới, khẳng định tầm quan trọng của nữ giới và những đóng góp của họ trong lĩnh vực STEM.
Trong những năm gần đây, khái niệm về STEM hay giáo dục STEM không còn quá xa lạ khi nhận được sự quan tâm của nhà trường cũng như các học sinh, sinh viên. Với những ứng dụng trong lĩnh vực STEM, học sinh, sinh viên từ bậc phổ thông đến bậc đại học đã khởi xướng nhiều dự án sáng tạo với các giải pháp chứa đựng sự đổi mới, mang lại giá trị về kinh tế-xã hội. Có thể nói, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên đã quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực STEM.
Ngoài ra, với sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai các hoạt động giáo dục STEM cũng thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn còn là lĩnh vực có nhiều thách thức, rào cản, trong đó, lĩnh vực STEM ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới vẫn được coi là vùng đất riêng của nam giới. Thực tế cho thấy, nhiều nghiên cứu đã khẳng định, giới tính không hề ảnh hưởng đến năng lực của mọi người trong bộ môn khoa học nào, như vậy, nữ sinh khi có đam mê trong lĩnh vực này hoàn toàn có thể tự tin theo đuổi.
Tại sự kiện, ban tổ chức cũng tổng kết Cuộc thi Em yêu STEM và vinh danh trao giải tới các nhóm xuất sắc nhất.
HẢI YẾN
--
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616