• 111
  • lang
  • lang

Thuê trẻ em đi hát có vi phạm pháp luật?

Thời gian qua, thị trường giải trí xuất hiện nhiều ca sĩ "nhí" nhận biểu diễn với thù lao rất cao. Các em còn nhỏ như vậy thì cơ sở thuê các em biểu diễn có vi phạm pháp luật?

Biểu diễn nghệ thuật là một trong số ít công việc được sử dụng lao động trẻ em (Ảnh minh họa: Phương Nhung).

Thực tế, pháp luật Việt Nam quy định khá chặt chẽ về lao động trẻ em, lao động chưa thành niên tại các điều 143-147 trong Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể, Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.

Với những người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã có thể được phép làm hầu hết các công việc. Pháp luật chỉ cấm tuyển dụng người trong độ tuổi này làm một số công việc cụ thể, hay làm việc ở một số nơi không phù hợp quy định chi tiết tại Điều 147 Bộ luật Lao động 2019.

Với nhóm lao động từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi (thuộc nhóm lao động trẻ em), Điểm 3 Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 quy định chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) ban hành.

Ngày 12/11/2020, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ký ban hành Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên.

Trong thông tư này, Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm.

Với nhóm trẻ chưa đủ 13 tuổi, Điểm 3 điều 145 quy định: "Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh".

Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH cũng quy định chi tiết các điều kiện để tuyển dụng người dưới 15 tuổi làm việc, cách giao kết hợp đồng, hồ sơ đề nghị việc sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc… Tất cả đều có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh là Sở LĐ-TB&XH các địa phương.

Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết các quy định về lao động chưa thành niên trong Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH TẠI ĐÂY.

--- 

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn