Những năm gần đây, mặc dù tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở lứa tuổi rất trẻ. Nhiều quốc gia đã cấm hoàn toàn hoặc đang xem xét việc cấm thuốc lá điện tử.
Trong khi đó, Việt Nam tới thời điểm này vẫn chưa có hành lang pháp lý phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, điển hình là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
Được quảng cáo như một giải pháp hữu hiệu thay thế thuốc lá truyền thống, “không gây nghiện, không độc hại, hương thơm dễ chịu, không gây hôi miệng”… thuốc lá điện tử đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều người và nhanh chóng trở thành trào lưu thời thượng trong giới trẻ.
Trào lưu “thời thượng” nguy hại của giới trẻ.
Tỷ lệ người trẻ sử dụng thuốc lá điện tử tăng nhanh
Tại các trường học, khu vui chơi giải trí, quán cà phê, giải khát hiện nay, không khó để bắt gặp các thanh niên, trong đó nhiều học sinh THCS, THPT, sinh viên vô tư thả khói với đủ mùi hương từ các dạng bình hút thuốc lá điện tử với nhiều hình dạng như, chiếc bút, USB, thỏi son, hộp sữa, đồ chơi với nhiều tính năng phát sáng, nghe nhạc...
Nhiều bạn còn cho rằng như vậy mới là “mốt thời thượng”, là “sành điệu”, “ngầu”...
Khi được hỏi về lý do sử dụng thuốc lá điện tử, L.V.Đ (17 tuổi), học sinh trường THPT tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Lúc đầu em thử vì tò mò, học theo các bạn vì không dùng lại bị trêu là “đồ nhà quê”.
Dần dần em cũng thấy hay, lại được các bạn khen như thế mới là sành điệu, rồi nghiện lúc nào không biết. So với thuốc lá thông thường, loại này cho ra nhiều khói hơn, cảm nhận được nhiều vị hơn nhưng một ngày nếu không hút vài lần em sẽ thấy thiếu thiếu, khó chịu…”.
Chị Nguyễn Lan H. (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Con tôi vừa hoàn thành chương trình lớp 7. Gần đây, vợ chồng tôi ngửi thấy những mùi hương trong nhà, nhất là khi ở gần cháu.
Ngoài ra, thỉnh thoảng cháu còn có biểu hiện khó thở, chóng mặt, ho nhiều hơn. Tôi đưa cháu đi khám ở bệnh viện thì mới vỡ lẽ, con đã hút thuốc lá điện tử. Cháu cho biết đã bị bạn bè rủ rê hút thử, sau đó lén lút sử dụng mỗi khi tới trường”.
Nhiều bệnh nhân đã phải nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai do hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: T.H)
Với hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, theo xu hướng công nghệ, thuốc lá điện tử đã nhanh chóng tiếp cận giới trẻ và ngày càng nhiều thanh, thiếu niên sử dụng.
Kết quả “Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố” do Tổ chức Y tế thế giới phối hợp với Bộ Y tế thực hiện cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ gia tăng rất nhanh: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13 - 17 đã tăng từ 0,2% (năm 2015) lên 2,6% (năm 2019), 3,6% (năm 2020) và 8,1% (năm 2023).
Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nữ giới tuổi 11 - 18 cũng lên đến 4,3% (năm 2023).
Đặc biệt nguy hại, nhiều thanh thiếu niên xem việc hút thuốc lá điện tử là để thể hiện sự sành điệu của bản thân mà không lường trước được những nguy hại cho sức khỏe và tinh thần của các em.
Hệ lụy khôn lường
Theo ThS, BS Phan Hữu Kiệm, Bệnh viện Phổi Hà Nội, thuốc lá điện tử có thành phần chính là nicotine. Chất này được hòa tan trong dung môi Propylene Glycol và/hoặc Glycerin, ngoài ra còn kết hợp thêm hương liệu.
Có tới hơn 15.000 loại hương liệu để tạo ra các mùi vị phong phú cho thuốc lá điện tử, kết hợp với thiết kế bắt mắt, thời trang và hiện đại càng thu hút người dùng, nhất là các bạn trẻ với tâm lý muốn thể hiện sự cá tính và độc đáo.
Các loại dầu được dùng để hút thuốc lá điện tử chứa hóa chất và kim loại có thể gây tổn hại tới phổi như thiếc, chì, kẽm, chất tạo mùi hương và những hạt siêu mịn khác. Người hút có thể cảm thấy khó thở, ho nhiều, đau ngực, buồn nôn, mệt mỏi, ói mửa, thậm chí bị sốt nếu hút nhiều.
Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng nguy cơ phổi nhiễm virus, vi khuẩn, đặc biệt là lao phổi do suy giảm hệ miễn dịch.
Với hình dáng bắt mắt, thuốc lá điện tử được nhiều bạn trẻ coi như một thú chơi “sành điệu”.
Ngoài ra, người hút thuốc lá điện tử còn có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ, viêm tắc động mạch chi), tai biến mạch máu não, động kinh, các bệnh về răng miệng, tiêu hóa, bệnh lý ung thư (ung thư phổi, họng, thanh quản, thực quản, tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng), ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ (vô sinh, giảm khả năng tình dục, sự phát triển bất thường của thai nhi, sảy thai…).
Đối với thanh thiếu niên, việc tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử dễ dàng từ lứa tuổi rất sớm sẽ dẫn đến việc tích lũy độc tính lâu dài nên các bệnh lý trên có thể xuất hiện sớm hơn khi so sánh với các thế hệ trước. Về lâu dài, chất nicotine dù thông qua hút thuốc lá điện tử hay thuốc lá điếu vẫn có thể gây ung thư.
Mặt khác, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng làm tăng nguy cơ dẫn tới sử dụng thuốc lá điếu ở người trẻ. Nghiên cứu cho thấy, thanh, thiếu niên và người trẻ chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng khi sử dụng thuốc lá điện tử thì có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu cao hơn 3,5 lần so với với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), điều đặc biệt nguy hiểm là thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn.
“Hai năm qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hơn 130 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. trong đó xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy. Chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình cả chục đến hàng trăm triệu đồng”, bác sĩ Nguyên cho biết.
Theo số liệu của Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có ít nhất là 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá, trong đó có đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi. Thống kê tại gần 700 cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế và trung tâm y tế huyện, cho thấy năm 2023 có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.
Nguồn tham khảo:
https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/thuoc-la-dien-tu-trao-luu-thoi-thuong-nguy-hai-cua-gioi-tre-20240530111054735.htm
____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.