• 111
  • lang
  • lang

Thương con và điểm dừng.

Trong một buổi hội thảo ở Đức, có 300 cha mẹ đến từ các nền văn hóa khác nhau sống ở Đức. Trong đó văn hóa Châu Á gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam. Trong hội thảo, giáo sư đã cho các cha mẹ một tờ giấy trắng và yêu cầu viết xuống những điều cha mẹ làm để thể hiện tình yêu con, phần thưởng dành cho con

Đây là kết quả của cha mẹ ở nền văn hóa Châu Á, có cả VN:

Tặng con những món đồ chơi mới đắt tiền, mua cho con quần áo hàng hiệu, cho bé đi học thêm để bé giỏi hơn, dắt con đi ăn nhà hàng hoặc cửa hàng gà rán, cho con thêm tiền để con đãi bạn bè…

Thương con và điểm dừng.

Thương con là bản năng của mỗi bậc cha mẹ. Họ luôn dành điều tốt nhất cho con cái họ. Tuy nhiên, thương con nên nằm trong một tình huống thật và bản thân của trẻ cũng nên hiểu được giá trị của tình yêu. Các chuyên gia tâm lý ở Anh khuyên: “Không nên dùng vật chất để thương con vì giá trị vật chất không nên được đánh đồng với giá trị tình yêu. Vật chất là giá trị hữu hình, tình yêu là giá trị vô hình, rất dễ nhầm lẫn với nhau”

Việc mua đồ chơi mới, đắt tiền là điều không gì sai. Nhưng cách cha mẹ thể hiện và nói với trẻ là điều quan trọng, tránh làm trẻ hiểu sai. Ví dụ, đừng bao giờ nhấn mạnh cho trẻ biết là: Đây là món đồ chơi đắt tiền hoặc mới, con chơi cẩn thận nhé. Thay vì vậy, cha mẹ nên nói: Con chơi xong nhớ dọn dẹp cẩn thận, hôm nay con đã thể hiện rất tốt nên cha mẹ dành tặng con món đồ chơi này

Việc mua quần áo mới, hàng hiệu cũng không sai. Tuy nhiên, đừng cho trẻ biết người sành điệu phải mặc đồ hiệu. Hãy dạy trẻ biết quý trọng những món đồ bé có. Cái quan trọng bé học được, quần áo bé đang mặc trên người là cần được sử dụng cẩn thận, đúng mục đích. Những mục đích sử dụng đặc biệt như tiệc, sinh nhật, đi chơi thì chỉ cần cho bé biết: Con nên mặc trang trọng khi đến chỗ nhiều người vì cách con xuất hiện trang trọng là tôn trọng bữa tiệc đó, tôn trọng người dự tiệc và người mời con đến bữa tiệc. Tránh để trẻ hiểu lầm: Cần phải ăn mặc đẹp, sang trọng để nổi bật hơn người khác. Trẻ con rất dễ hiểu lầm và cha mẹ nên cẩn thận trong cách giao tiếp với trẻ

Ngày nay cha mẹ muốn con đi học thêm để con giỏi hơn. Điều đó không gì sai. Nhưng có điều cha mẹ nên biết thêm: Học chỉ là một phần của sự thông thái, cảm nhận về xã hội và gia đình là một yếu tố quan trọng thứ 2. Tôi có gặp vài gia đình, cả ngày chỉ gặp con đúng 30 phút ăn tối vội và chúc con ngủ ngon. Thời gian còn lại bé trên trường và lớp học thêm. Trẻ đó sẽ thiếu vốn sống gia đình và xã hội. Đời sống tinh thần về gia đình bé sẽ thiếu thốn, trẻ sẽ khó tự tin vào bản thân. Nghiên cứu cho thấy trẻ dưới 12 tuổi, nên cân bằng tốt giữa việc học, hoạt động gia đình và xã hội. Các bé thiếu hoạt động gia đình sẽ dễ trở thành một người sống không mở lòng

Dắt bé đi ăn nhà hàng, hoặc thưởng bé một bữa ăn gà rán. Có thể làm điều này vào cuối tuần, nhưng đừng cho bé biết đây là một phần thưởng. Cái giá phần thưởng này dành cho việc thể hiện sự yêu thương là quá thấp, mà đem lại cho bé một sự xác nhận mang cá nhân hóa là hiển nhiên khi ngoan thì được ăn món mình thích, và lúc bình thường thì ăn những món không được yêu thích. Đã có những nghiên cứu cho thấy sự xác nhận mang tính cá nhân hóa thường gặp ở tuổi teen. Ăn như vậy chỉ nên là những dịp ngẫu nhiên, tiện thì ăn, không nên mang mục đích gì. Tốt nhất, cha mẹ có điều kiện và thời gian nên tổ chức picnic, hoặc tự làm món ăn đặc biệt hơn bình thường, có thể có những món bé thích và nói là: Hôm nay cha mẹ và con cùng làm nhiều món hơn ngày thường. Đó là cách mà trẻ hiểu ra khi vào dịp đặc biệt, bản thân bé cũng được góp mặt và đó chính là giá trị tình yêu

Dấu ba chấm... còn thiếu

Đó là nên cho bé hiểu giá trị thực của bản thân trong lịch sử xã hội. Hãy cho bé đến tham quan các giá trị vô hình nhưng mang tính kết nối xã hội là điều bé cần được học về sự yêu thương. Ví dụ, bé nên được cho đi tham quan viện bảo tàng, tủ sách thiếu nhi và thăm ông bà. Tại những nơi này bé học được giá trị của cuộc sống, và những nhân chứng sống về cuộc sống. Thăm ông bà, ông bà có thể kể cho bé nghe thời xưa cuộc sống như thế nào, ông bà sống ra sao, cha mẹ của bé sống ra sao. Viện bảo tàng cho bé cái nhìn về xã hội, lịch sử và ở đó cha mẹ hãy hướng dẫn và giải thích cho bé hiểu giá trị của lịch sử và xã hội. Ví dụ, làm sao họ lưu giữ lại những hiện vật này, sự giữ gìn trân trọng về lịch sử sẽ làm nền tảng cho tương lai phát triển. Các nước phát triển như Anh, Mỹ giá trị lịch sử ở Viện bảo tàng được cha mẹ giáo dục cho các bé từ lúc nhỏ

Notes:

Noel Swandon (2004) Good Child Guide. Aurum, London

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061