• 111
  • lang
  • lang

Tổng đài 111: Chỗ dựa bình an cho trẻ em

Bắt đầu hoạt động từ ngày 6/12/2017, đến nay Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã thực sự trở thành chỗ dựa bình an cho trẻ em.

Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) là dịch vụ công đặc biệt thành lập theo quy định của Luật trẻ em 2016.

Tổng đài 111 được sự quản lý của Cục Trẻ em thuộc Bộ, là đường dây khẩn cấp hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, có nhiệm vụ thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại, kiểm tra thông tin tố giác ban đầu.

Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ ngay lập tức được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em. Tổng đài không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến.

Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã thực sự trở thành chỗ dựa bình an cho trẻ em Việt Nam.

Số cuộc gọi đến Tổng đài giảm đi

Theo Cục Trẻ em, năm 2023, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 323.615 cuộc gọi đến (giảm 44.829 cuộc so với năm 2022) và tiếp nhận 1.313 lượt thông báo qua ứng dụng app và zalo của tổng đài.

Cùng với đó, hỗ trợ, can thiệp 688 ca bạo lực trẻ em, chiếm 55,89% tổng số ca hỗ trợ, can thiệp, trong đó có những trường hợp trẻ em bị bạo lực với mức độ rất nghiêm trọng.

Trẻ em bị bạo lực trong gia đình giảm so với năm 2022 tuy nhiên vẫn chiếm tỉ lệ cao 67,71% (giảm 9,22% so với năm 2022). 

Trẻ em bị bạn bè bạo hành, bắt nạt, cô lập trong trường học có tính chất nghiêm trọng để lại tổn thương nặng nề về sức khỏe thể chất và tinh thần. 

Các trường hợp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại tình dục giảm hơn so với năm 2022 (150 ca so với 170 ca) tuy nhiên tính chất các vụ việc có phần nghiêm trọng.

Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục dẫn đến hậu quả mang thai và sinh con khiến các em dang dở việc học tập và tổn thương về thể chất cũng như tâm lý.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tiếp tục là vấn đề quan tâm của nhiều bậc phụ huynh và trẻ em. Năm 2023 Tổng đài 111 tư vấn 404 cuộc (chiếm 4,0% trong tổng số cuộc gọi tư vấn chuyên sâu, tăng 0,2% so với năm 2022) và can thiệp 19 trường hợp liên quan đến việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng (chiếm 1,5% trong tổng số ca can thiệp, tăng 0,2% so với năm 2022).

Trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc có xu hướng tăng. Năm 2023 Tổng đài tiếp nhận thông tin và hỗ trợ 65 ca (tăng 21 ca so với năm 2022).

Phủ sóng các kênh hỗ trợ trẻ em

 Để hỗ trợ cho trẻ em được tốt hơn, Tổng đài 111 đã mở thêm các kênh để tiếp nhận thông tin từ người dân như: Zalo 111, App 111, Fanpage Tổng đài 111, Tongdai111.vn…. Việc phủ sóng các kênh hỗ trợ trẻ em đang từng bước ghi nhận những kết quả tích cực.

Đặc biệt, hiện nay trong sách giáo khoa của học sinh đã có giới thiệu về Tổng đài 111, hướng lâu dài sẽ phổ cập sâu rộng để cộng đồng và mọi trẻ em đều dễ dàng nhận biết và sử dụng dịch vụ của tổng đài như in số điện thoại và giới thiệu tổng đài ở bìa sách, vở, trên các bao bì sản phẩm sữa, đồ dùng học tập, trên các phương tiện giao thông công cộng…

Tuy nhiên, Tổng đài 111 vẫn còn gặp không ít khó khăn trong trong quá trình hỗ trợ, can thiệp như: nhiều vụ việc khó giải quyết vì pháp luật hiện chưa có các quy định cụ thể về tranh chấp quyền nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em trong thời kỳ bố mẹ li thân, li hôn hoặc trường hợp trẻ em là con ngoài giá thú;

Cán bộ địa phương còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ; Vẫn còn tình trạng cán bộ địa phương không biết đến Tổng đài 111..

Nhân viên Tổng đài 111 luôn cố gắng hết sức để có thể hỗ trợ trẻ em.

Hỗ trợ liên tục 24h/24h hàng ngày

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, năm 2024, Tổng đài 111 tiếp tục bảo đảm hoạt động thông suốt, bảo đảm cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em và nạn nhân của mua bán người liên tục 24h/24h hàng ngày.

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và Đường dây nóng phòng chống mua bán người thông qua Zalo, App Tổng đài 111.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về Tổng đài 111 thông qua các hình thức như: kênh Zalo, App tổng đài 111, truyền thông qua mạng xã hội, lồng ghép với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, hợp tác với các doanh nghiệp để đưa vào các ấn phẩm, sản phẩm như sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập, sữa cho trẻ em, xe bus, taxi, hợp tác các nhà mạng viễn thông để thực hiện tin nhắn đến các số thuê bao di động.

Bên cạnh việc tăng cường hiệu quả hoạt động kết nối, chuyển tuyến, Tổng đài 111, triển khai mô hình hỗ trợ, can thiệp khẩn cấp cho trẻ em với khoảng 30 trường hợp trẻ em bị xâm hại nghiêm trọng được Tổng đài can thiệp, hỗ trợ về tâm lý, pháp lý.

Phát triển dịch vụ đánh giá và trị liệu tâm lý cho trẻ em: dự kiến trị liệu tâm lý miễn phí cho 40-45 trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác có các vấn đề về tâm lý tại 3 Tổng đài vùng...

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tong-dai-111-cho-dua-binh-an-cho-tre-em-20240226074800783.htm

----

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.