• 111
  • lang
  • lang

Tổng đài 111 hỗ trợ trẻ bị bạo lực học đường thế nào?

K., học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội bị một nhóm bạn bạo lực học đường nghiêm trọng, dẫn đến tổn thương về cả thể chất và tinh thần; các bác sĩ chẩn đoán K. bị rối loạn phân ly (một dạng rối loạn tâm thần). Sự việc đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Phóng viên Dân trí đã trao đổi với các nhân viên tư vấn của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 (Cục Trẻ em) về nghề tư vấn, hỗ trợ, can thiệp cho bé K. nói riêng và trẻ em bị bạo lực học đường nói chung.

Nhân viên tư vấn của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 trực Tổng đài. 

Trẻ bị bạo lực học đường được 111 tư vấn, trị liệu tâm lý

Rối loạn phân ly là một bệnh lý tâm thần thường gặp, tỷ lệ: 0,3-0,5% dân số. Theo Phân loại bệnh của Tổ chức Y tế thế giới (ICD 10), rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữ trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động.

Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được.

Chia sẻ về việc hỗ trợ tâm lý cho em K., bà Nguyễn Thuận Hải - Trưởng Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cho biết: Em K. thuộc trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp của 111. Văn phòng Tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em của Tổng đài 111 đã tiếp nhận và đánh giá, trị liệu tâm lý cho em K. từ ngày 10/11.

Thời gian hỗ trợ tâm lý dự kiến sẽ diễn ra khoảng 14 buổi/đợt (nếu sau khi hỗ trợ, trẻ chưa ổn định, Tổng đài 111 sẽ tiếp tục hỗ trợ đợt tiếp theo).

Bà Nguyễn Thuận Hải - Trưởng Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 chia sẻ thông tin.

Em K. đã đi học trở lại kể từ ngày 24/11. Tuy nhiên, sau 4 ngày đi học, em đã tạm nghỉ vì mỗi khi đến trường em thường có ký ức xâm nhập về việc bị các bạn đánh, khiến em bị căng thẳng, dẫn đến đau đầu và phải về giữa buổi hoặc nghỉ học. Em đã chủ động và tự lập trong các sinh hoạt hàng ngày, ăn uống tốt hơn.

Em không còn các cơn hoảng loạn, tuy nhiên các cơn phân ly vẫn xuất hiện, thỉnh thoảng khi gặp yếu tố gây căng thẳng, em vẫn bị đau đầu và ngất.

Hiện tại, em K. đang được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai điều trị ngoại trú, đồng thời tiếp tục trị liệu tâm lý tại Văn phòng Tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em của Tổng đài 111.

Xác định trường hợp em K. cần được điều trị lâu dài, 111 đã trao đổi với gia đình em K. và địa phương cố gắng tìm các nguồn lực khác để tiếp tục duy trì việc điều trị.

Các nhân viên tư vấn của Tổng đài 111 cho biết, hiện tại, chưa thể khẳng định được em K. có thể phục hồi sức khỏe hoàn toàn hay không.

Ngoài việc tư vấn, trị liệu tâm lý cho em K. - người bị bạo lực học đường, bà Vũ Kim Nga, Trưởng ca của Tổng đài 111 chia sẻ thêm, 111 đã phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội Hà Nội tiến hành hỗ trợ về tâm lý cho cả những học sinh gây ra bạo lực cho em K. bởi do áp lực của dư luận, những học sinh này cũng bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Bà Vũ Kim Nga nhận định, trừng trị thì dễ nhưng làm thế nào để trẻ tốt hơn mới khó. Trẻ bị bạo hành hay trẻ gây ra bạo hành thì đều là nạn nhân của bạo lực học đường.

111 hỗ trợ trẻ bị bạo lực học đường thế nào?

Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc hỗ trợ các trẻ em bị bạo lực học đường khi gọi đến đường dây nóng 111, bà Vũ Kim Nga cho biết, đối với các trường hợp cần tư vấn, 111 có một quy trình chung, đầu tiên cần xác định, trẻ bị bạo hành bởi giáo viên hay những người lớn trong nhà trường hay trẻ bị bạo hành bởi chính các bạn học? Tùy trường hợp, Tổng đài sẽ có những tư vấn về mặt tâm lý cụ thể cho từng đối tượng.

Còn về quá trình can thiệp, Tổng đài sẽ tiếp nhận thông tin, rồi kết nối, trao đổi với cán bộ địa phương, đầu tiên là cán bộ trẻ em cấp xã, sau là cán bộ Phòng LĐ-TB&XH cấp tỉnh để xác minh thông tin và tiến hành hỗ trợ.

Trong trường hợp trẻ cần tư vấn tâm lý trực tiếp, Tổng đài sẽ giới thiệu với trẻ em và gia đình trẻ địa chỉ Văn phòng Tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em của 111 để gia đình trẻ thu xếp thời gian và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đưa trẻ đến trị liệu.

Hiện tại, những trẻ bị bạo hành và xâm hại đều được Văn phòng Tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em trị liệu miễn phí.

Tuy nhiên, có nhiều trẻ ở xa không về Hà Nội để trị liệu trực tiếp được thì Tổng đài 111 sẽ phối hợp với cán bộ địa phương để tìm các nguồn lực khác hỗ trợ trẻ và gia đình.

Ví dụ, ở một số tỉnh có các dự án hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, bạo hành hoặc có các trung tâm, các mô hình can thiệp, tư vấn tâm lý thì Tổng đài 111 sẽ liên hệ, giới thiệu trẻ đến đó trị liệu.

"111 không chỉ hỗ trợ những trường hợp gọi điện đến Tổng đài, chúng tôi tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, qua báo chí, qua email, Zalo, qua đơn thư, từ các trường học, bệnh viện, người dân báo… 111 sẵn sàng hỗ trợ mọi trường hợp trẻ em bị bạo lực học đường nếu cần”, bà Vũ Kim Nga cho biết.

Đặc biệt, đối với các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 sẽ cử cán bộ trực tiếp xuống địa phương để đánh giá về tình trạng sức khỏe, thể chất cũng như tâm lý của trẻ và có biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/dang-lam-47/

----

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.