• 111
  • lang
  • lang

Tổng đài Quốc gia 111 kêu gọi người dân tố cáo các nội dung độc hại trên Internet ảnh huởng đến sự phát triển của trẻ

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều trường hợp cơ quan chức năng phải can thiệp và làm việc với chủ nhân của các video trên nền tảng Youtube đang sản xuất và đăng tải nhiều nội dung độc hại với trẻ em. 

Như vụ việc vào tháng 3/2021, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Cục A03 (Bộ Công an) làm việc với chủ nhân kênh youtube Thơ Nguyễn khi cô đăng tải video có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan, bên cạnh hàng loạt những video dạy trẻ cách trèo lan can, ban công ở tầng cao; tự mình chui vào sống 24h trong bãi rác, v.v.

Zalo

Ngoài ra, còn nhiều kênh khác như: Kênh PHD Troll, Kênh Hưng Vlog/ Hưng Troll, Hậu Cáo TV, Ca Cường TV, Hành tinh đồ chơi – Toy Planet... cũng có những nội dung có tiêu đề gây tò mò, nguy hại với nhận thức và hành động của trẻ em như: ăn bột giặt, ăn xương rồng, uống sữa tắm, uống nước rửa bát, ăn iPad trong lớp học.

Gần đây nhất là vào ngày 17/5, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã đề nghị các cơ quan chức năng xóa, gỡ nhiều clip của kênh TIMMY TV trên Youtube, Facebook có nội dung độc hại, mê tín và rùng rợn không phù hợp với trẻ em. 

Zalo

Bên cạnh các nội dung tiếng Việt, trên Youtube cũng còn tồn tại rất nhiều các nội dung bằng tiếng nước ngoài về bạo lực, không hề mang tính chất giáo dục hay giải trí tích cực, mà thay vào đó là cổ xuý những trò đùa tai hại, hoặc những thử nghiệm mang tính liều lĩnh, thậm chí là ảnh hưởng đến mạng sống của trẻ.

Trên cơ sở đó, Cục đề nghị Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) có biện pháp ngăn chặn, xóa, gỡ kênh và xử lý theo pháp luật để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho biết: "Kênh TIMMY TV có admin là người Việt và đã tồn tại vài năm qua. Thời gian gần đây, Kênh đã có nhiều hình ảnh và nội dung không phù hợp với sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Đây là những nội dung cần phải xử lý ngay để tránh tác hại xấu tới các em".

Hệ quả của việc xem và bị ảnh hưởng bởi những video trên chính là sự tổn thương của em. Đầu năm 2019, một học sinh 15 tuổi ở Hải Dương bị đa chấn thương sau khi tự chế thuốc nổ do học theo video trên Youtube. Cuối năm 2020, một bé 5 tuổi tử vong do học theo trò thắt cổ trên mạng. Trò nghịch dại này còn khiến một bé 7 tuổi khác hút chết, may mắn được gia đình phát hiện.

Có thể thấy, những nội dung phản cảm như vậy là mối hiểm họa vô cùng lớn đối với trẻ em - lứa tuổi chưa đủ nhận thức để phân biệt các hành vi an toàn và không an toàn. Khi xem những chương trình có nội dung độc hại, ngoài việc bắt chước làm theo rất nguy hiểm, trẻ nhỏ có thể sẽ bị ám ảnh về tâm lý dẫn đến trạng thái bất an, căng thẳng, rối loạn hành vi, thậm chí trầm cảm và có thể tự hủy hoại bản thân. 

Zalo

Cũng theo Cục trưởng Cục trẻ em, trên cơ sở thông tin do Cục nắm được và nhiều bậc phụ huynh gửi tới Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, các cơ quan chức năng đã có đủ căn cứ, dữ liệu để có thể xử lý những vi phạm trên.

Quan trọng hơn, để đồng hành cùng các biện pháp hành động từ cơ quan chức năng, cần sự đóng góp tích cực, chân thành từ phía phụ huynh, người chăm sóc trẻ hàng ngày. Việc theo sát các hoạt động và nội dung trẻ xem, đọc online lẫn offline hết sức hữu ích. Để có sự phối hợp của trẻ, cha mẹ cần cố gắng trò chuyện với trẻ nhiều hơn, cởi mở hơn. Ngoài ra các biện pháp khác mà phụ huynh có thể phối hợp như là giới hạn thời gian sử dụng internet để giải trí, bật chế độ "Phụ huynh kiểm soát" trên các thiết bị thông minh, hướng dẫn con trẻ tìm kiếm các từ khoá có ích, phù hợp với độ tuổi. Và đặc biệt, các cha mẹ phải đồng lòng cùng nhau thực hiện các biện pháp đó, duy trì liên tục để trẻ hiểu được mức độ cần thiết về một môi trường mạng có nội dung lành mạnh khi trẻ chưa đủ khả năng phân biệt và nhận thức.

Cùng phối hợp với các cơ quan chức năng khác, ông Đặng Hoa Nam cũng kêu gọi cộng đồng, các bậc phụ huynh và các em nhỏ khi phát hiện những nội dung, hình ảnh có dấu hiệu sai phạm về trẻ em hãy liên lạc với Tổng đài 111 để nhận sự hỗ trợ kịp thời.

Zalo

Zalo
 

-------------

Nguồn tham khảo:

https://baodantoc.vn/tran-lan-cac-video-doc-hai-tren-youtube-dung-de-tre-em-thanh-nan-nhan-1616731606672.htm

https://dantri.com.vn/an-sinh/de-nghi-xoa-nhieu-clip-doc-hai-tren-youtube-facebook-anh-huong-toi-tre-em-20210517124808421.htm

http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202011/khong-chu-quan-voi-video-doc-hai-tren-mang-xa-hoi-3032765/

https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/trach-nhiem-va-nghia-vu-bao-ve-tre-em-truoc-nhung-noi-dung-doc-hai-tren-moi-truong-mang-638443/

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616