Sau 20 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 5.762.302 cuộc gọi đến, trong đó, đã tư vấn 496.183 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 10.869 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ Trẻ em 111 chính thức ra đời vào ngày 19/5/2004 với tên gọi là Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em - Phím số diệu kỳ 18001567. Ban đầu, Đường dây tư vấn chỉ là một hợp phần của dự án “Lao động trẻ em, trẻ em đường phố hồi gia và Bảo vệ trẻ em di cư” do tổ chức Plan international tại Việt Nam tài trợ. Đến năm 2006, Đường dây đã trở thành dịch vụ công của nhà nước, với sự đầu tư về ngân sách 100% cho các hoạt động chính, hoạt động 14 giờ/ngày (từ 7h đến 21h). Từ ngày 15/10/2010, Đường dây hoạt động 24h/24h/ngày. Sau khi Luật Trẻ em đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kỳ họp thứ 11, khóa XII thông qua thông qua ngày 5/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em do Chính phủ ban hành có hiệu lực, Bộ thông tin và truyền thông đã cấp số 111 cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Ngày 6/12/2019 lãnh đạo Chính phủ đã chính thức khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với ba số 111, đây là số ngắn, nhằm mục tiêu thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Cũng trong tháng 12/2017, Bộ Lao động phê duyệt đề án Nâng cấp Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 lên thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài có một trung tâm tại Hà Nội và 2 trung tâm vùng tại Đà nẵng và An Giang.
Lễ khai trương Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Sau 20 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 5.762.302 cuộc gọi đến, trong đó, đã tư vấn 496.183 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 10.869 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em
Trong 10.869 ca hỗ trợ, can thiệp có 4.901 ca bạo lực trẻ em (chiếm 45,09%); 2.635 ca về xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 24,24%); 906 ca về trẻ em bị bóc lột (chiếm 8,34%); 348 ca trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc, sao nhãng (chiếm 3,20); 263 ca trẻ em bị mua bán (chiếm 2,42); 287 ca vi phạm quyền trẻ em; 197 ca tranh chấp quyền nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em; 159 ca hỗ trợ tài chính cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 33 ca bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 và 1.140 ca về các vấn đề khác (trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị lạc, khó khăn liên quan đến nhà trường, khó khăn liên quan đến chính sách pháp luật ...)
Tổng đài 111 tiếp nhận nhiều cuộc gọi tới mỗi ngày
Trong số 496.183 cuộc gọi tư vấn của Tổng đài có 263.409 ca tư vấn chuyên sâu, chiếm 53,1%, trong đó có 33.967 ca tư vấn về xâm hại, bạo lực (chiếm 12,90%); 98.237 ca tư vấn liên quan đến những khó khăn của trẻ em trong quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình, với bạn bè, thầy cô giáo và ngoài cộng đồng (chiếm 37,29%); 43.286 ca tư vấn liên quan đến sức khỏe thể chất của trẻ em (chiếm 16,43%); 28.701 ca tư vấn về pháp luật (chiếm 10,90%); 19.713 ca tư vấn liên quan đến tâm lý của trẻ em (chiếm 7,48%), 17.907 ca tư vấn về sức khỏe sinh sản (chiếm 6,80%), và 21.598 ca về các vấn đề khác (chiếm 8,20%). Tuy nhiên các ca tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em và tư vấn liên quan đến pháp luật tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính từ năm 2020 đến nay tỉ lệ các cuộc gọi tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực chiếm 51,57% trong tổng số ca tư vấn chuyên sâu ở Tổng đài; cuộc gọi tư vấn về pháp luật chiếm 28,24%; các cuộc gọi tư vấn về ứng xử giảm chỉ còn 13,67%; các cuộc gọi về sức khỏe thể chất chiếm 2,65%; các cuộc gọi tư vấn về tâm lý chiếm 2,78%; cuộc gọi tư vấn về sức khỏe sinh sản chiếm 1,09%
Độ tuổi người gọi: Người từ 18 tuổi trở lên có 249.847 cuộc gọi (chiếm 50,4%); nhóm trẻ em từ 11-14 tuổi có 97.821 cuộc (chiếm 19,7%); trẻ em từ 15 đến dưới 16 tuổi có 73.412 cuộc (chiếm 14,8%); người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có 39.287 cuộc (chiếm 7,9%); trẻ em từ 0-10 tuổi có 23.196 cuộc (chiếm 4,7%) và 12.620 không xác định được lứa tuổi (chiếm 2,5%).
Giới tính người gọi: Số cuộc gọi của nam giới là 207.325 cuộc (chiếm 41.8%), nữ giới là 288.858 cuộc (chiếm 58,2%).
Đối tượng gọi đến: Trẻ em là nhóm gọi đến Tổng đài nhiều nhất, có 233.716 cuộc gọi (chiếm 47,1%); cha mẹ, người chăm sóc trẻ có 83.751 cuộc gọi (chiếm 16,9%); người dân quan tâm đến các vấn đề của trẻ em có 134.764 cuộc gọi (chiếm 27.2%); cán bộ xã hội có 36.260 cuộc gọi (chiếm 7.3%); nhóm đối tượng khác có 7.692 cuộc gọi (chiếm 1,6%).
Từ tháng 10/2013 đến nay, Đường dây nóng phòng, chống mua bán người đã tư vấn 26.841 cuộc gọi; kết nối, chuyển tuyến 638 ca để giải cứu và hỗ trợ cho 701 người bị mua bán và có nguy cơ bị mua bán người.
____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.