• 111
  • lang
  • lang

Trao giải Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em”

Ngày 2/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Tổ chức Good Neighbors trao giải Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em”. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đến dự và trao giải cho tác giả đạt giải Nhất.

Hưởng ứng Năm quốc tế của Liên hợp quốc về xóa bỏ lao động trẻ em, cuộc thi “Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em” được phát động với mục đích sử dụng sức mạnh của âm nhạc để nâng cao nhận thức cộng đồng và truyền cảm hứng cho các hành động phòng chống lao động trẻ em. Sau 4 tháng phát động cuộc thi (từ ngày 27/4 – 27/8/2021), Ban tổ chức nhận được 88 tác phẩm của 68 tác giả tham dự cuộc thi. Trong đó, thể loại ca khúc có 87 tác phẩm; thể loại hợp xướng có 1 tác phẩm.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà và Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Phạm Ngọc Khôi trao giải Nhất.

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định các tác phẩm dự thi cho biết: Nội dung các tác phẩm tham gia cuộc thi đảm bảo tiêu chí truyền thông về bảo vệ trẻ em, phòng, chống lao động trẻ em. Kêu gọi toàn xã hội cùng hành động vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em; đảm bảo quyền được bảo vệ, phát triển toàn diện của trẻ em. Thể hiện niềm tin, định hướng tương lai của trẻ em, dân tộc trong giai đoạn đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Thông điệp âm nhạc đã truyền cảm hứng cho cộng đồng, các nhạc sĩ, nghệ sĩ chung tay hành động vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em, đảm bảo quyền được bảo vệ, không bị bóc lột của trẻ em.

“Chủ đề của các tác phẩm tập trung phản ánh những nét đẹp, sáng kiến về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng chống lao động trẻ em hoặc những khó khăn, vất vả, thiệt thòi và cả những rủi ro mà trẻ em phải lao động có thể gặp phải. Tác phẩm dự thi có nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật tốt, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam”, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi đánh giá.

Hội đồng thẩm định đã chia 2 vòng chấm giải: Vòng Sơ khảo Hội đồng thẩm định chọn được 21 tác phẩm (của 20 tác giả) đạt chất lượng có điểm từ 8,02 điểm trở lên vào vòng chung khảo. Vòng Chung khảo Hội đồng thẩm định chọn được 15 tác phẩm của 14 tác giả có chất lượng cao để trao giải.

Ban giám khảo đã chọn được 2 giải Nhất. Một tác phẩm dành cho đối tượng trẻ em đó là:  “Trẻ em như búp trên cành” của tác giả Khánh Vinh và 1 tác phẩm dành cho đối tượng người lớn: “Em ước mong sao” của tác giả Trần Văn Hùng. 4 giải Nhì gồm các  tác phẩm: “Hãy giữ lấy tuổi thơ em” của tác giả Thái Phú; “Hãy nói không với lao động trẻ em” của tác giả Nguyễn Duy Khoái; “Cùng trẻ em san sẻ yêu thương” của tác giả Ngọc Khuê và “Giấc mơ mẹ ru” của tác giả Ngọc Thịnh, thơ Khánh Lê.

5 giải Ba được trao cho các tác phẩm: “Hãy để em ước mơ” của tác giả An Hiếu; “Giấc mơ của em” của tác giả Quang Thanh Giang; “Em mơ học chữ cái” của tác giả Lê Anh Hà; “Trả lại cho em tuổi thơ” của tác giả Bá Trạng; “Ước mơ giản đơn” của tác giả Lâm Tới.

Ban tổ chức trao 4 giải Khuyến khích cho các tác phẩm: “Như búp trên cành” của tác giả Quang Thanh Giang; “Trẻ em Việt Nam tương lai Việt Nam” của tác giả Vũ Trung; “Hai bàn tay xinh” nhạc Nguyễn Bá Đại và lời Phạm Vân Anh; “Khúc ca măng non” của tác giả Nguyễn Văn Hải.

Một báo cáo do ILO và UNICEF công bố vào tháng 6 năm nay cho thấy, số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu và hàng triệu trẻ em khác có nguy cơ trở thành lao động trẻ em dưới tác động của đại dịch COVID-19. Đại dịch đã đảo ngược xu hướng giảm trước đó của tình trạng lao động trẻ em trong hai thập kỷ qua.

Khánh Vy biểu diễn ca khúc "Em ước mong sao" của tác giả Trần Văn Hùng.

Tại Việt Nam, khảo sát năm 2018 trước khi xảy ra đại dịch COVID cho thấy, hơn 1 triệu trẻ em trong nước là lao động trẻ em, giảm hơn 4% so với kết quả khảo sát năm 2012. Kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018 của Việt Nam cho thấy, lao động trẻ em từ 5-17 tuổi là 1.031.944 em, chiếm 5,4% tổng dân số trẻ em (giảm hơn 4% so với năm 2012), thấp hơn so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu năm 2016 tương ứng là 9,6% và 10,6%. Có được các kết quả trên là nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020, các chiến dịch truyền thông hiệu quả về phòng chống lao động trẻ em từ Trung ương tới cơ sở.

Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chúc mừng các nhạc sĩ đạt giải, đồng thời nhấn mạnh: "Cùng với các chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân và các tổ chức hoạt động vì trẻ em, những ca khúc về phòng chống lao động trẻ em của cuộc thi này sẽ góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của mỗi người và toàn xã hội về vấn đề lao động trẻ em. Từ đó, có các hành động thiết thực tham gia vào chương trình Phòng chống lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng chính phú ban hành".

Coi hiện tại là "thời điểm then chốt", phụ thuộc rất nhiều vào cách đất nước đáp ứng lại các tác động của đại dịch, bà Nguyễn Hồng Hà, Đại diện lâm thời của ILO Việt Nam kêu gọi tất cả cùng chung tay cam kết hành động chấm dứt lao động trẻ em. "Chúng ta nên đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn lao động trẻ em bằng cách đầu tư vào các chương trình bảo trợ xã hội để giúp các gia đình không phải đưa ra quyết định để con em mình đi lao động kiếm sống. Chúng ta nên làm mọi việc có thể để đưa các em ra khỏi tình trạng lao động trẻ em và quay trở lại trường học", bà Nguyễn Hồng Hà cho biết.

VÂN KHÁNH - Ảnh: MẠNH DŨNG

Xem thêm: Cuộc thi Sáng tác ca khúc về phòng, chống lao động trẻ em của Việt Nam

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616