• 111
  • lang
  • lang

Trẻ con trong khu phong tỏa: 2 cách nghĩ nguy hiểm

Có hai thái cực thường gặp ở phụ huynh khi thấy khu vực của mình bị phong tỏa, bị đánh giá là có nguy cơ: lo lắng quá hoặc... không lo, chủ quan là trẻ con bệnh thường nhẹ.

Trẻ em mắc Covid-19 bệnh thường nhẹ, đa số không triệu chứng hoặc chỉ như một cơn cảm cúm thông thường. Không có triệu chứng thì cứ cho trẻ ăn, uống, chơi... bình thường trong nhà. Nếu có triệu chứng nhẹ thì cũng chăm sóc như những lần bệnh trước: sốt trên 38,5 độ C thì uống thuốc hạ sốt (paracetamol, 10-15 mg cho mỗi 1 kg cân nặng), lau mát; uống đủ nước, bú nhiều để làm loãng đàm; ho thì dùng siro ho cho trẻ em, hay tự chưng các loại thuốc ho an toàn...

Người lớn ráng giữ bình tĩnh, vì người lớn mà cứ lo âu, đứng ngồi không yên thì tâm lý của trẻ cũng bị ảnh hưởng, có khi trẻ quấy khóc là vì tâm lý chứ không phải do bệnh.

Còn nếu Covid-19 chưa "gõ cửa" nhà bạn, tất nhiên trẻ con hay người lớn đều phải ở trong nhà. Cho dù là khu phong tỏa hay "vùng xanh", cũng đừng chủ quan trẻ con thường bệnh nhẹ mà cho trẻ chạy chơi tự do trong xóm.

Chủng mới rất dễ lây, cho con trẻ chơi chung thoải mái nhà này với nhà kia, rất dễ trở thành chiếc cầu nối khiến bệnh lây từ nhà này sang nhà khác nếu như trong khu đó có người bệnh mà chưa được phát hiện. Đa số trẻ em mắc bệnh không triệu chứng nhưng trẻ vẫn có thể lây cho người khác.

Hậu quả sẽ rất lớn nếu như trong nhà có người lớn tuổi, bệnh nền..., là những đối tượng có nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Mà việc ông bà chăm cháu lại thường phổ biến. Ngay cả khi trong nhà toàn người trẻ, khỏe cũng không nên chủ quan, vì bệnh vẫn có một tỉ lệ bệnh nặng nhất định ở người lớn trẻ tuổi.

Thông thường trẻ con có thể hài lòng với lời giải thích "nếu con đi chơi, con sẽ lây bệnh cho bạn". Vì vậy, cố gắng khuyên bảo, giữ trẻ trong nhà. Cách ly tuyệt đối nhà với nhà, chấm dứt việc tụm năm tụm ba trong xóm, kể cả trẻ con lẫn người lớn, thì Chỉ thị 16 mới thực sự hiệu quả. Có thể bạn đã từng nghe đâu đó những xóm cứ phát hiện F0 liên tục, cách ly hết đợt 14 ngày này đến đợt 14 ngày khác, hết nhà này bị đến nhà kia bị, "dắt dây" gần hết xóm. Không có chuyện ủ bệnh lâu hơn 14 ngày, mà nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc chưa cắt đứt tuyệt đối sự tiếp xúc giữa các gia đình với nhau.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616