Nạn lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những vấn đề sức khoẻ cộng đồng luôn được đặc biệt quan tâm ở Việt Nam. Nhưng liệu chúng ta có đang hiểu rõ trẻ em Việt Nam hiểu như thế nào, có thái độ gì với vấn nạn này?
Tại Việt Nam, các hương trình giáo dục giới tính chưa thực sự được áp dụng mạnh mẽ và phổ biến đến các cấp trường lớp, và đồng thời, không phải phụ huynh nào cũng có đủ tự tin, mạnh dạn để trao đổi với trẻ về giới tính, tình dục. Vì theo quan niệm truyền thống, giới tính và tình dục là một chủ đề nhạy cảm, thậm chí là tội lỗi, xấu hổ khi đề cập đến. Do đó, trẻ em Việt Nam sẽ khó mà được tiếp cận thông tin chính thống một cách công khai. Thay vào đó, các em sẽ tự tìm kiếm qua bạn bè, mạng xã hội, internet. Nguy cơ các em tìm thấy thông tin sai lệch, thiếu chính xác rất cao và có thể dẫn đến việc các em rơi vào tình huống nguy hiểm mà cha mẹ không hay biết.
Ngoài ra, pháp luật về bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại và lạm dụng vẫn chưa thể bao quát toàn bộ tất cả các tình huống, vì có những trường hợp, cách hành vi xâm hại tình dục vẫn đang được xem xét là "không phù hợp phong tục tập quán, nơi công cộng" và chỉ bị phạt vi phạm hành chính. Do đó, việc cung cấp các biện pháp phòng ngừa và dạy con trẻ cách phòng ngừa là bước đi đúng đắn, quan trọng trong công cuộc bảo vệ trẻ khỏi nạn xâm hại, lạm dụng tình dục. Trước mắt, cha mẹ và nhà trường cần nắm được rằng các em đã hiểu đúng về chủ đề này chưa, các em còn thiếu sót và lầm tưởng gì, để có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung kiến thức phù hợp hơn.
Bài viết này xin phép trích dẫn các kết quả khảo sát và thảo luận từ bài nghiên cứu "Nhận thức và thái độ về xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em, ở trẻ em trong độ tuổi đi học" (Tên gốc: Perception and Attitude about Child Sexual Abuse among Vietnamese School-Age Children) được thực hiện bởi Do HN, Nguyen HQT, Nguyen LTT, và các cộng sự, được xuất bản trong "Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu môi trường và sức khoẻ công cộng." vào ngày 18 tháng 10 năm 2019.
"Số đông các em tham gia khảo sát tin rằng trẻ em nam không thể là nạn nhân của lạm dụng tình dục, và kẻ tội phạm lạm dụng tình dục không thể là những người thân quen, họ hàng trong gia đình". Trong suốt 25 năm, rất nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều trẻ em nam đã phải trải qua việc bị xâm hại, lạm dụng tình dục. Nhận thức về lạm dụng, xâm hại tình dục ở nam giới chưa hoàn thiện dẫn đến những nghiên cứu về nội dung này bị xếp sau xâm hại tình dục ở nữ giới.
Những quan điểm trên được hình thành có thể do sự im lặng của những nạn nhân là nam, trẻ em nam đã khiến cho phần đông mọi người lầm tưởng rằng chỉ có trẻ em nữ, phụ nữ mới là mục tiêu tấn công của tội phạm tình dục. Có thể do văn hoá, định kiến, tư tưởng về việc là nam giới, trẻ em nam không nên thể hiện cảm xúc quá nhiều, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực, yếu đuối, bất lực, dễ tổn thương ra bên ngoài, để tránh cảm giác bị kỳ thị, trách móc. Những lối suy nghĩ này khiến các em nam dễ bối rối và không hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Trong khi đó, trẻ em nữ thường được dặn dò, quan tâm nhiều hơn, quản lý kỹ hơn trẻ em nam. Với những gia đình có cha mẹ trẻ (độ tuổi dưới 40 tuổi), trẻ em có thể sẽ được chia sẻ, giáo dục tích cực hơn về giới tính so với gia đình có bố mẹ lớn tuổi.
Ngoài ra, nhận định "kẻ lạm dụng tình dục không thể là người quen biết, thân thiết với gia đình" từ các em học sinh Việt Nam lại đi ngược lại với kết quả khảo sát thực tế tại Singapore, một cuộc khảo sát giữa các em sinh viên nữ cho thấy rằng phần lớn những kẻ lạm dụng tình dục thường là hàng xóm hoặc bạn bè của các em. Một kết quả tương đương ở HongKong cũng cho thấy những người bạn của gia đình, hoặc bạn bè của nạn nhân có tỷ lệ là kẻ lạm dụng tình dục cao. Trong khi tại Hàn Quốc, trong những người bạn trang lứa với nạn nhân, số lượng kẻ lạm dụng tình dục chiếm khoảng 20%.
"Và khoảng 50% các em học sinh được khảo sát tin rằng nhà của em, trường học của em là những nơi an toàn". Tuy nhiên thực tế, hầu hết các vụ xâm hại hoặc lạm dụng tình dục diễn ra tại trường học (26% sinh viên 18-24 tuổi đã xác nhận). Kết quả này cho thấy việc giáo dục về giới tính và những vấn nạn lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em tại trường lớp, gia đình rất quan trọng, để các em hiểu được rằng các em phải tự bảo vệ mình ngay tại trường lớp và trong ngôi nhà của mình.
Mời theo dõi phần tiếp theo.
-------------
Nguồn tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6843190/
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616