Lạm dụng tình dục trẻ em là một tội ác ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em. Có rất nhiều bài giải thích, hướng dẫn cho cha mẹ, người lớn chăm sóc trẻ và thầy cô giáo trong trường về cách giáo dục trẻ về chủ đề này. Vậy đối với trẻ em, các em hiểu như thế nào về lạm dụng tình dục trẻ em?
Bài viết này xin phép trích dẫn các kết quả khảo sát và thảo luận từ bài nghiên cứu "Nhận thức và thái độ về xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em, ở trẻ em trong độ tuổi đi học" (Tên gốc: Perception and Attitude about Child Sexual Abuse among Vietnamese School-Age Children) được thực hiện bởi Do HN, Nguyen HQT, Nguyen LTT, và các cộng sự, được xuất bản trong "Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu môi trường và sức khoẻ công cộng." vào ngày 18 tháng 10 năm 2019.
"Những bạn học sinh trả lời khảo sát cũng cho rằng trẻ em thường bị lạm dụng khi đang ở một mình, vào buổi tối, ở nơi vắng người, yên tĩnh". Nhận định này cho thấy suy nghĩ trốn tránh, xấu hổ khi việc bị lạm dụng có thể bị biết bởi người khác. Nạn nhân có xu hướng che giấu, và khó chấp nhận sự thật rằng mình đang bị lạm dụng, xâm hại tình dục. Hoặc có thể các em học sinh chưa biết đến sự thật rằng nguy cơ các em bị lạm dụng, xâm hại có thể là bất cứ nơi nào, bất kể thời gian. Do đó, việc cung cấp thêm thông tin cần thiết để các em tăng cường cảnh giác là hết sức cấp thiết.
Một kết quả khác trong khảo sát cho thấy những trẻ không được sống gần cha mẹ, họ hàng thường sẽ hiểu biết nhiều hơn về chủ đề lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em. Do các em có thể tự nhận thức được rằng bản thân có nguy cơ bị bắt nạt, gặp nguy hiểm nhiều hơn những trẻ được sống cùng gia đình, nên các em có thể sớm tự trang bị kiến thức để có thể bảo vệ chính mình.
Khảo sát cũng tiết lộ rằng những trẻ em sống tại khu vực thành thị sẽ tiếp cận được nhiều thông tin về lạm dụng, xâm hại trẻ em hơn những trẻ sống ở khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa. Kết quả này có thể được giải thích bằng việc trẻ em tại thành thị được phổ cập giáo dục nhiều hơn, từ đó, ý thức và kiến thức của các em được nâng cao hơn các vùng khác. Đồng thời, những định kiến, tư tưởng về giới tính, tình dục, thường bị kiêng dè, không được thảo luận chính thức tại khu vực nông thôn, vùng chưa phát triển. Hoặc do người ở khu vực này thường e ngại, sợ bị kỳ thị khi những chuyện cá nhân bị bàn tán, bị biết đến, ảnh hưởng đến danh dự, khiến cho việc xác định, truy tìm thủ phạm trở nên khó khăn.
Kết quả khác của khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh nữ có nhiều kiến thức về xâm hại, lạm dụng tình dục ở trẻ em nhiều hơn học sinh nam. Tuy nhiên cả hai giới được nhận định là vẫn không đủ nhận thức về nguy cơ lạm dụng, xâm hại khi trong những mối quan hệ mật thiết giữa trẻ em và người khác: với giáo viên, họ hàng trong gia đình.
Nhóm tác giả kết luận rằng, những trẻ tham gia khảo sát đều có mức độ nhận biết nhất định về chủ đề xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em, và đa số các em đều thống nhất về hành vi đụng chạm cơ thể là không chấp nhận được. Những kết quả trên cũng cho thấy thiếu sót trong việc giáo dục một cách hiệu quả về giới tính, tình dục ở mức độ cần thiết phù hợp với những độ tuổi khác nhau trong trường học và gia đình. Vì thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức có thể đồng nghĩa với việc các em dễ bị tổn thương, lạm dụng, xâm hại.
Do đó, trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô trong trường là không trốn tránh, mà hãy xây dựng một kế hoạch giáo dục, phổ cập kiến thức thật khoa học để có thể tăng cường khả năng phòng ngừa của trẻ. Chỉ khi chính người lớn cho trẻ thấy việc hiểu biết về giới tính, tình dục là hoàn toàn bình thường và cần thiết, khi đó trẻ em cũng sẽ tích cực tiếp thu và không giữ im lặng khi gặp nguy hiểm.
-------------
Nguồn tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6843190/
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616