• 111
  • lang
  • lang

Trẻ em cần có không gian vui chơi an toàn trong mùa hè

Nghỉ hè là khoảng thời gian trẻ em được cởi bỏ những áp lực học hành và thỏa sức tham gia các hoạt động khám phá, vui chơi, giải trí, nạp thêm nguồn năng lượng tích cực... Nhưng có một thực tế là trẻ em đang thiếu những sân chơi an toàn, bổ ích.

Trẻ em đang thiếu sân chơi an toàn 

Kỳ nghỉ hè đang đến gần, cũng như rất nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn, chị Thu Trang ở Hà Nội đang khá lo lắng vì không biết cho con sinh hoạt, vui chơi ở đâu, vì những điểm sinh hoạt hè cho trẻ em đang rất thiếu. 

Trẻ em cần có không gian vui chơi an toàn trong mùa hè.

Từ nhiều năm nay, câu chuyện về sân chơi an toàn cho trẻ em chưa khi nào bớt nóng. Đặc biệt, mỗi dịp hè đến, những điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em ở cả thành thị và nông thôn luôn trong tình trạng quá tải.

Sân chơi của trẻ em không chỉ là khuôn viên, điểm vui chơi cho trẻ mà sân chơi bao gồm nhiều yếu tố nhằm phát triển văn hóa, tinh thần của trẻ em thông qua vui chơi, giải trí.

Thực tế là lâu nay, các hoạt động dành cho thiếu nhi còn khá đơn điệu, nơi có nơi không, hoặc có cũng như không bởi sự nhàm chán, thiếu sức hút, dẫn đến chính trẻ cũng không mấy mặn mà.

Về nguyên nhân thiếu không gian vui chơi cho trẻ, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng ban giám sát, tư vấn bảo vệ quyền trẻ em (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho biết: Nơi nào được các cấp Lãnh đạo quan tâm thì trẻ em có sân chơi, trang thiết bị được quản lý, trẻ em được giám sát và bảo vệ; còn những nơi không được quan tâm thì sân chơi chỉ là hình thức.

Bên cạnh đó là việc bố trí nguồn kinh phí còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu”.

Trước thực trạng thiếu không gian vui chơi cho trẻ em, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) chỉ ra một thực tế đó là điểm vui chơi công cộng thiếu, không gian sinh hoạt cộng đồng không có, môi trường ngột ngạt dẫn tới thực trạng trẻ có xu hướng thụ động khi ngồi lì ở nhà xem tivi, chơi game, lướt Youtube...

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Nhiều nơi không có sân chơi, các em nhỏ phải trượt patanh, đá bóng trên vỉa hè, chơi dưới lòng đường dẫn đến tai nạn giao thông. Nếu ở ngoại thành thì các em thường tìm đến sông, suối, hồ bơi để tắm mát, dễ dẫn đến các tai nạn thương tích.

Nỗ lực trả lại những không gian vui chơi an toàn cho trẻ

Trẻ em cần có một mùa hè đúng nghĩa và an toàn để được vui chơi an toàn, qua đó học kỹ năng sống, biết những trò chơi rèn luyện tính đồng đội, tập thể… Để trả lại cho tuổi thơ một mùa hè trọn vẹn, các cấp, ban ngành đã và đang nỗ lực thay đổi tư duy, nhận thức của người lớn, phụ huynh bằng nhiều quy định và chính sách cụ thể.

Các em thích thú tham gia hoạt động trải nghiệm tại mô hình nông nghiệp sạch.

“Để giải quyết vấn đề thiếu sân chơi cho trẻ em Hà Nội, để trẻ có được những ngày hè thật sự bổ ích, lãnh đạo địa phương phải thực hiện đúng Chỉ thị số 03 về việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em của Thủ tướng Chính phủ.

Đó là toàn bộ các khu nhà dân dụng và các khu chung cư cao cấp phải để dành đất xây khu vui chơi giải trí cho trẻ em.

Cần tổ chức các trò vui chơi giải trí bằng điều kiện sẵn có của địa phương, như tập văn nghệ, hát, múa, cầu lông, hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ mình, không bị thương tích, không bị thiếu hụt phát triển văn hóa tinh thần, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và rối nhiễu tâm trí trẻ em”, ông Nguyễn Trọng An cho hay.

Chia sẻ về giải pháp nhằm xây dựng và mở rộng mô hình sân chơi công cộng cho thiếu nhi, bà Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh đến vai trò cần thiết của Chính phủ trong việc ban hành, điều chỉnh quy hoạch; phân bổ, vận động nguồn lực và kinh phí xây dựng khu vui chơi cũng như cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất trang thiết bị vui chơi.

Theo bà Lê Thị Hoàng Yến: “Từ Trung ương tới địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, riêng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để phát huy vai trò là người đại diện tiếng nói của trẻ em, tạo hiệu quả trong việc quản lý đoàn viên, thanh niên ở cơ sở và phụ trách thiếu nhi trong các kỳ sinh hoạt hè”.

"Việc huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng, tài trợ cho các sân chơi trẻ em là vô cùng cần thiết để bảo đảm mọi trẻ em đều được vui chơi giải trí, đều được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau", bà Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.

TS Vũ Thiện Toàn, chuyên gia bảo vệ trẻ em, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em kết nối TP HCM chia sẻ: “Với sự phát triển như vũ bão của Internet và mạng xã hội như hiện nay, rất khó cho tổ chức Đoàn, Đội trong việc đưa những trẻ đang sử dụng mạng xã hội, sử dụng smartphone mỗi ngày từ 4-5 tiếng, chơi game online, tiếp cận thông tin về với các trò chơi truyền thống.

Bởi, sức lôi cuốn của các thiết bị có kết nối Internet và mạng xã hội quá mạnh mẽ. Khó nhưng không phải không có cách, tôi cho rằng, để thu hút các em thiếu nhi đến với các hoạt động tập thể, các ngành, các cấp cần tổ chức nhiều hoạt động dành cho từng nhóm đối tượng thanh thiếu nhi và nhất là tổ chức hoạt động theo thói quen.

Chẳng hạn, với những em thiếu nhi thích công nghệ sẽ tổ chức các hoạt động liên quan đến công nghệ; với các em có năng khiếu hội họa thì tổ chức các hoạt động vẽ tranh; các em có sức khỏe thích vận động thì tổ chức các giải thể thao. Qua đó để định hướng cho thanh thiếu nhi”.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH gợi ý, cần tăng cường vai trò của Đoàn thanh niên các cấp trong việc phối hợp cùng nhà trường và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hơn các sân chơi hè cho trẻ em, bảo đảm vui, khỏe, an toàn, bổ ích.

Hoạt động nào cần kinh phí thì kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, nhà hảo tâm và phụ huynh. Hình thức tổ chức các sân chơi hè cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp với độ tuổi, đặc điểm từng vùng, từng địa phương để thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em. Có như vậy, các em mới có một mùa hè thật sự an toàn, bổ ích và phụ huynh cũng vơi bớt nỗi lo.

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tre-em-can-co-khong-gian-vui-choi-an-toan-trong-mua-he-20240527123621911.htm

____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.