• 111
  • lang
  • lang

Trẻ em - mục tiêu mới trong chiến dịch tiêm chủng toàn cầu

Các nước đạt tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cao đang chuyển hướng chiến lược vaccine sang trẻ em, nhằm khóa chặt nguy cơ xuất hiện biến chủng. 

Cuộc đua tiêm chủng Covid-19 toàn cầu khởi đầu với nhóm dân số cao tuổi và chịu nguy cơ cao, sau đó mở rộng dần sang người trong độ tuổi lao động và thanh thiếu niên. Trẻ em, đặc biệt là nhóm dưới 12 tuổi, đang được các nhà khoa học và giới hoạch định chính sách nhiều nước cân nhắc cho bước tiếp theo của chiến lược phủ vaccine.

Với phần lớn dân số trưởng thành đã hoàn tất tiêm chủng, Liên minh châu Âu (EU) dần mở rộng chiến lược phủ vaccine sang trẻ em, nhằm giảm lây nhiễm cộng đồng và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện thêm biến chủng nguy hiểm khi nCoV vẫn có thể lây lan ở trẻ em.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 và vaccine Moderna cho đối tượng trong độ tuổi 12-17. Trong cả hai nghiên cứu với lần lượt hơn 2.000 và 3.000 thanh thiếu niên tham gia, không trường hợp nào xuất hiện các triệu chứng của Covid-19 sau khi tiêm vaccine.

EMA thừa nhận quy mô các nghiên cứu còn hạn chế, đồng nghĩa khả năng chưa phát hiện hết tác dụng phụ của vaccine Covid-19 ở trẻ em. Dù chiến lược tiêm chủng Covid-19 ở trẻ em chưa được áp dụng đồng bộ trên khắp châu Âu vì lo ngại tác dụng phụ, nhiều nước đã tiên phong tăng độ phủ vaccine đến nhóm dân số nhỏ tuổi. EMA khẳng định tiêm chủng cho trẻ em sẽ thu lại lợi ích lớn hơn nhiều so với rủi ro.

Một bé gái 13 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 tại Estonia vào tháng 8. Ảnh: AP.

 

Anh đã cho phép trẻ vị thành niên 16-17 tuổi tiêm vaccine Covid-19 từ ngày 23/8. Trẻ từ 12-15 tuổi thuộc diện nguy cơ mắc Covid-19 cao hoặc sống với người lớn có nguy cơ bệnh nặng cũng được khuyến khích tiêm chủng.

Kế hoạch mở rộng tiêm chủng đến nhóm 12-15 tuổi không thuộc diện nguy cơ cao vẫn chưa được Anh thống nhất. Trong khi Ủy ban Liên ngành về Tiêm chủng và Miễn dịch (JCVI), cơ quan tư vấn y tế cho chính phủ Anh, cho rằng lợi ích từ tiêm chủng "chưa đủ để ủng hộ khuyến nghị tiêm đại trà" cho nhóm tuổi này, 4 cố vấn y tế hàng đầu cho các thành viên Liên hiệp Anh (gồm Anh, Scotland, Bắc Ireland và Wales) nhận định trẻ em 12-15 tuổi nên được tiêm mũi thứ nhất.

Theo họ, biện pháp này hạn chế nguy cơ năm học mới bị gián đoạn bởi các đợt bùng phát Covid-19. Mũi thứ hai có thể trì hoãn đến đầu năm 2022 hoặc trễ hơn, chờ theo dõi kết quả tiêm chủng và cộng đồng khoa học thế giới thu thập thêm dữ liệu nghiên cứu.

Các quốc gia châu Âu khác như Italy, Pháp và Đức áp dụng chiến lược tiêm chủng quyết đoán hơn.

Italy cho phép người từ 12 đến 18 tuổi tiêm vaccine không cần đặt lịch từ ngày 16/8, đặt mục tiêu phủ vaccine phần lớn thanh thiếu niên cả nước trước khi năm học bắt đầu vào tháng 9. Tính đến ngày 14/9, khoảng 74% tổng dân số trên 12 tuổi của Italy đã được tiêm vaccine Covid-19.

Pháp là một trong những nước châu Âu đầu tiên cho trẻ trên 12 tuổi tiêm chủng, bắt đầu từ ngày 15/6. Sau hai tháng, hơn 56% số người trong nhóm 12-17 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine, hơn 32% tiêm đủ liệu trình. Từ cuối tháng 9, những người dưới 18 tuổi ở Pháp khi đến nơi công cộng phải xuất trình thẻ xanh Covid-19, chứa chứng nhận tiêm chủng hoặc thông tin xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước.

Đức thời gian đầu cũng chần chừ tiêm chủng trẻ em như Anh, chỉ khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ có bệnh nền. Tuy nhiên, khi biến chủng Delta bùng phát ở châu Âu, cơ quan y tế Đức chấp nhận thay đổi chiến lược và đề nghị tiêm cho mọi trẻ từ 12-18 tuổi, khẳng định "lợi ích tiêm chủng vượt trội rủi ro từ một số tác dụng phụ rất hiếm gặp của vaccine".

Mỹ cũng cho phép tiêm chủng cho trẻ trên 12 tuổi và đang chờ nghiên cứu thêm ở độ tuổi từ 5 đến 11 với vaccine Pfizer.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã xem xét một nghiên cứu được tiến hành trên hơn 2.200 trẻ em Mỹ tuổi từ 12 tới 15, một nửa trong số đó được tiêm vaccine Pfizer, số còn lại tiêm giả dược.

Kết quả cho thấy một tuần sau khi tiêm liều hai, không em nào trong 1.005 em tiêm vaccine Pfizer nhiễm nCoV, trong khi 16 trên 978 em tiêm giả dược mắc Covid-19. Nghiên cứu này cho thấy vaccine Pfizer hoàn toàn hiệu quả trong ngăn ngừa Covid-19 ở nhóm tuổi này.

Một câu hỏi được đặt ra là trẻ em thường không mắc bệnh nặng khi nhiễm nCoV, tại sao các em cần phải tiêm vaccine? Tuy nhiên, FDA chỉ ra rằng vaccine có thể giúp trẻ em hạn chế nhiễm và phát tán nCoV. Ngay cả khi bị nhiễm virus, nguy cơ các em bị diễn tiến nặng cũng thấp hơn.

Việc tiêm vaccine cũng giúp trẻ em bắt đầu làm những điều mà các em từng không thể làm do các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ một số ít quốc gia trên thế giới đang triển khai tiêm chủng Covid-19 ở trẻ em dưới 12 tuổi, điển hình là Cuba, Chile và Trung Quốc.

Phụ huynh và học sinh tại một trường trung học cơ sở ở Bắc Kinh chờ lượt tiêm chủng Covid-19 vào tháng 7. Ảnh: Global Times.

Ngày 7/6, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 theo công nghệ bất hoạt cho trẻ từ ba đến 17 tuổi. Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) xác nhận đây là một phần chiến lược tiêm chủng ít nhất 70% dân số cả nước ở mọi nhóm tuổi và đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng trước cuối năm 2021.

Sau quyết định trên, chiến lược tiêm chủng trẻ em ở Trung Quốc được triển khai theo từng bước, chia theo nhóm tuổi và ưu tiên địa phương có rủi ro cao. Mô hình thí điểm được lên kế hoạch triển khai ở 11 tỉnh vào tháng 7 với nhóm tuổi 15-17, sau đó mở rộng sang nhóm từ 12 đến 14 tuổi vào tháng 8. Tỉnh Quảng Tây đặt mục tiêu hoàn tất tiêm chủng mọi thanh thiếu niên trên 12 tuổi trong nửa cuối năm 2021.

Trung Quốc tăng tốc tiêm chủng học đường trong tháng 8, sau khi cụm dịch liên quan biến chủng Delta bùng phát từ Nam Kinh lan sang hàng chục thành phố khác. Bộ Giáo dục Trung Quốc ngày 3/8 yêu cầu mọi địa phương vận động tiêm chủng cho học sinh và khởi động cơ chế ứng phó Covid-19 khẩn cấp.

Dù đã cấp phép tiêm vaccine cho trẻ 3-12 tuổi, trên thực tế, cơ quan y tế Trung Quốc vẫn chưa triển khai tiêm chủng Covid-19 với nhóm dân số này và đang chờ kết quả nghiên cứu. Quốc gia duy nhất trên thế giới đã tiêm chủng cho trẻ dưới 5 tuổi là Cuba.

Chiến dịch tiêm chủng đại trà cho trẻ em được chính phủ Cuba khởi động từ ngày 3/9. Trừ trẻ sơ sinh và trẻ một tuổi, mọi trẻ nhỏ và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi sẽ được tiêm ít nhất hai trong liệu trình ba mũi vaccine nội địa. Kế hoạch tiêm chủng được chia làm hai giai đoạn, triển khai với thanh thiếu niên vào nửa đầu tháng 9 và độ tuổi nhi đồng từ giữa tháng.

Theo Bộ Y tế Cuba, chiến dịch tiêm chủng đại trà Covid-19 được tổ chức theo mô hình như tiêm chủng hàng năm đối với các loại bệnh ở trẻ, triển khai qua hàng nghìn phòng khám và cơ sở điều trị cấp địa phương. Viện Finlay khẳng định kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 ở trẻ nhỏ đã chứng minh độ an toàn và phản ứng miễn dịch hiệu quả.

"Với sự gia tăng ca nhiễm trong trẻ em, việc các gia đình tự bảo vệ mình là cần thiết, thế nên chúng tôi quyết tâm tiêm chủng để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên", tiến sĩ Francisco Duran Garcia, nhà dịch tễ học hàng đầu Cuba, nhấn mạnh.

Trung Nhân (Theo Euronews/Global Times/CNN/Cubadebate/SCMP)

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061