• 111
  • lang
  • lang

Trẻ em và áp lực từ mạng xã hội: Khi con trở thành công cụ kiếm tiền

Ngày nay, khi kỷ nguyên mạng xã hội bùng nổ, những đứa trẻ không nhất thiết phải có tài năng xuất chúng hay thường xuyên xuất hiện trên truyền hình thì mới nổi tiếng.

Bởi có một cách dễ dàng để thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người, chính là thông qua mạng xã hội (MXH). Những món tiền quảng cáo "khủng" càng thúc đẩy nhiều bậc phụ huynh liên tục đăng tải video, hình ảnh của con lên MXH, bất chấp nguy cơ, hệ lụy.

Kiếm tiền “khủng” từ con trẻ

Việc sử dụng trẻ em để kiếm tiền tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng. Ảnh minh hoạ

Nhiều người chia sẻ rằng, ngay từ khi vẫn còn ở trong bụng mẹ, những đứa trẻ đã có thể “tỏa sáng” thành “ngôi sao” nếu bức hình siêu âm dễ thương đủ hấp dẫn. Những đứa trẻ lớn hơn một chút cũng có cơ hội tỏa sáng không kém, chỉ cần bố mẹ biết cách “chế kịch bản” với nội dung độc, lạ.

Câu hỏi đặt ra là, liệu những đứa trẻ "ngôi sao nhí" trên MXH ấy có thực sự muốn được làm ngôi sao không? Trẻ có bị ép diễn trước ống kính? Chúng có bị ép làm việc quá sức và liệu trẻ có được hưởng số tiền mà mình kiếm được?

Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều kênh MXH có tên gọi và hình ảnh trẻ em xuất hiện tràn lan, thu hút đông đảo người yêu thích và theo dõi. Có những em bé chưa đến tuổi đi học nhưng đã được cha mẹ xây dựng cho tài khoản MXH riêng với hàng triệu người theo dõi. Một số gia đình còn xây dựng hình ảnh bà mẹ nổi tiếng trên MXH với các kênh mẹ-bé mang lại thu nhập "khủng" cho cả gia đình.

Chỉ cần gõ các từ khóa như “Mẹ và em bé nổi tiếng”, “Em bé nhiều người theo dõi”... trên các nền tảng MXH, sẽ thấy xuất hiện hàng loạt bài đăng quảng cáo, đặt hàng dịch vụ như chụp ảnh và quay clip các sản phẩm có sự tham gia của em bé.

Từ đồ chơi, thời trang cho đến thực phẩm, các phương pháp học tiếng Anh… chỉ cần được gắn với hình ảnh của trẻ em thì sẽ thu hút sự quan tâm của rất nhiều bà mẹ.

Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường FTA, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho các dịch vụ kinh doanh sản phẩm bà mẹ và trẻ em, với doanh số tăng trưởng trung bình 2,5 tỷ USD mỗi năm. Vì thế, những em bé hay bà mẹ nổi tiếng luôn được các nhãn hàng chú trọng như một kênh tiếp thị hiệu quả.

Hiện nay, các kênh mẹ-bé và em bé có thể kiếm thu nhập từ nhiều nguồn như nhận quảng cáo nhãn hàng, gắn link sản phẩm trực tiếp trên kênh hoặc nhận tiền từ lượt xem. Giá đặt quảng cáo sử dụng hình ảnh em bé nổi tiếng có thể dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Nguy cơ trẻ em bị bóc lột, mất an toàn trên mạng

Từ vô số khoảnh khắc của các em bé nổi tiếng được đăng tải lên MXH, người xem cũng như các cơ quan quản lý đều nhận thấy xuất hiện nhiều vấn đề pháp lý cũng như nguy cơ và hệ lụy tiềm ẩn.

Việc sử dụng tràn lan hình ảnh, video clip trẻ em, đặc biệt là các video, hình ảnh nhạy cảm không được kiểm chứng hoặc thiếu kiến thức chuyên môn, đã dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm phạm dưới nhiều hình thức. 

Hiện nay, các thương hiệu kinh doanh sản phẩm gia đình đặc biệt quan tâm đến những bà mẹ và trẻ em có sức ảnh hưởng trên MXH để mời tham gia quảng bá sản phẩm. Điều này dẫn đến sự gia tăng “sao mạng nhí” và một thế hệ phụ huynh quản lý tài khoản MXH của con họ.

Những phụ huynh này liên tục chia sẻ hình ảnh và video của con mình lên MXH. Tuy nhiên, hành động này dẫn đến việc trẻ em bị bóc lột dưới hình thức mới, bị xâm phạm quyền riêng tư và mất an toàn trên mạng.

Chị Nguyễn Thị V., một bà mẹ đang quản lý kênh TikTok của cô con gái 4 tuổi với hơn 17,3 triệu người theo dõi, thường chia sẻ những video rất riêng tư về con mình. Chị V. tiết lộ rằng, dù tiền kiếm được tiền từ việc này, nhưng chị cũng phải đối mặt với chỉ trích từ công chúng. 

Trên các nền tảng MXH tại Việt Nam cũng xuất hiện những vấn đề đáng lo ngại khác như: những video trẻ em ăn mặc không phù hợp với lứa tuổi, thể hiện những điệu nhảy gợi cảm; những em bé nổi tiếng xuất hiện với tần suất dày đặc tại các sự kiện truyền thông...

Đặc biệt, một số trường hợp đáng buồn là các em bé khuyết tật cũng bị cha mẹ cho xuất hiện nhiều trên các video bán hàng hoặc các buổi livestream (phát trực tiếp) để kêu gọi ủng hộ, mua hàng.

Vấn đề pháp lý và trách nhiệm bảo vệ trẻ em

Về vấn đề trẻ em bị cha mẹ biến thành “công cụ kiếm tiền” trên mạng xã hội, Luật Sư Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Văn phòng Luật sư Minh Bạch Quốc Tế (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Pháp luật quy định trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc, bảo vệ; nghiêm cấm việc tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ.

Tại Điều 54 Luật Trẻ em năm 2016 và chương IV của Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 về quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em nêu rõ: Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức;

Cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng;

Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật”.

Luật Trẻ em nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên hoặc của cha mẹ, người giám hộ trẻ em.

Trường hợp thu thập, sử dụng hình ảnh cá nhân không xin phép mà xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh, thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm gây ra có thể bị xử lý hành chính từ 10-20 triệu đồng, hoặc xử lý hình sự với mức án lên tới 5 năm tù.

MXH là môi trường rất khó kiểm soát thông tin, vì vậy, việc đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ em cần được hạn chế để tránh nguy cơ bị lợi dụng, xâm hại hoặc bắt cóc.

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tre-em-va-ap-luc-tu-mang-xa-hoi-khi-con-tro-thanh-cong-cu-kiem-tien-20241030103355100.htm

___

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111 
+ Youtube: Tổng đài 111

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.