Theo các bác sĩ, khoảng 10-15% trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ.
Tính đến ngày 18/8, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, hiện đang có 2.065 trẻ em dưới 16 tuổi tại TP Hồ Chí Minh mắc COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện. ThS.BS Mai Quang Huỳnh Mai, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, hiện đa số trẻ đang điều trị tại đơn vị điều trị COVID-19 ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 đều có sức khỏe ổn định. Ngoài điều trị bằng thuốc, trẻ mắc COVID-19 cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao sức đề kháng, giảm nhẹ triệu chứng, tăng hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị.
Theo đó, khi trẻ nhập viện điều trị sẽ được các bác sĩ thăm khám để xác định trẻ có bị bệnh nền hay không, cân nặng bao nhiêu, ở độ tuổi nào, từ đó có khẩu phần ăn phù hợp. Cụ thể, nếu trẻ đang ăn dặm sẽ là những thức ăn mềm như cháo, sữa, nui... Trẻ lớn hơn, ở lứa tuổi tiểu học thì sẽ dùng thức ăn gần giống như của người lớn.
“Bệnh nhi mắc COVID-19 chủ yếu điều trị theo triệu chứng. Quan trọng là phải bảo đảm đủ năng lượng cho trẻ, chú trọng các loại vitamin và khoáng chất. Chỉ những trường hợp có tổn thương đặc hiệu cần phải can thiệp, ngoài phần điều trị thì trẻ sẽ có chế độ dinh dưỡng đặc biệt riêng”, ThS.BS Mai Quang Huỳnh Mai chia sẻ thêm.
Trẻ nhiễm siêu vi thông thường nói chung, mắc COVID-19 nói riêng, cũng đều phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng nhằm giúp trẻ chống chọi với bệnh tật. Hiện tại, thời tiết đang nóng nên cần bảo đảm cung cấp cho trẻ đủ nước (uống nước đã đun sôi để nguội, nước cam, nước chanh). Trong khẩu phần ăn cần tăng cường rau xanh, trái cây (bơ, chuối, các loại rau lá xanh...).
ThS.BS Mai Quang Huỳnh Mai cho biết thêm, sau khi xuất viện, nếu trẻ không có tổn thương gì do COVID-19 thì xem như là một trường hợp bệnh nhiễm siêu vi, vì COVID-19 cũng là siêu vi. Do đó, chế độ dinh dưỡng sau khi trẻ xuất viện không có gì đặc biệt mà chỉ cần ăn uống bình thường, đầy đủ chất với các thực phẩm dễ tiêu hóa như cơm, cháo, thịt gà, yaourt, ngũ cốc...
Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức/.