• 111
  • lang
  • lang

Trẻ sơ sinh có mẹ là F0 được hỗ trợ một triệu đồng

Những em bé sinh từ 27/4 đến 31/12, có mẹ nhiễm Covid-19 sẽ được hỗ trợ một triệu đồng, theo quyết định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Mức hỗ trợ 2 triệu đồng dành cho những em bé có cha, mẹ là F0 đã qua đời; các em hoàn cảnh khó khăn mồ côi do đại dịch. Nguồn kinh phí trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, TP HCM đang điều trị cho sản phụ mắc Covid-19. Ảnh: Diễm Hằng

 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại dịch đã khiến nhiều trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng thể chất lẫn tinh thần, suy giảm nguồn nuôi dưỡng, phải học trực tuyến dài ngày. Nhiều em đã rơi vào cảnh mồ côi, không có người thân chăm sóc do cha, mẹ phải điều trị, cách ly hoặc tử vong do nhiễm bệnh. Ông đề nghị các tỉnh thành ưu tiên điều trị, chăm sóc trẻ em là F0, F1, quan tâm sức khỏe tinh thần và tâm lý của trẻ, nhanh chóng giải ngân các chính sách hỗ trợ liên quan trẻ em trong gói 26.000 tỷ đồng.

Cục trưởng trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, nhiều vấn đề về trẻ em chưa từng có tiền lệ đã xuất hiện trong đại dịch. Cụ thể, nhiều em bị tách rời khỏi sự chăm sóc khi cha mẹ, người thân đi cách ly, trở thành F0 hoặc qua đời, dễ gặp vấn đề tâm lý. Hàng loạt cha mẹ đã mất việc làm, thiếu thốn chi phí nuôi con, gánh nặng tiền học, tiền trọ. Các cơ sở chăm sóc công lập bị đứt gãy nguồn hỗ trợ khi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm gặp khó khăn.

Việt Nam cũng đang thiếu các quy định pháp lý và chính sách về quy trình ứng phó an toàn, bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh; chưa có hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em, chăm sóc phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong bối cảnh đại dịch.

"Rất nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, tinh thần và tình trạng bạo lực, bóc lột trẻ em có thể gia tăng sau đại dịch", ông Nam nói.

Ông kiến nghị các tỉnh thành nhanh chóng ưu tiên tiêm vaccine cho giáo viên, người làm việc tại các cơ sở chăm sóc trẻ em. Tổng đài 111 ngoài chức năng đường dây nóng tiếp nhận tố cáo xâm hại trẻ em, sẽ mở rộng dịch vụ tư vấn, hỗ trợ can thiệp trường hợp trẻ em bị sang chấn tâm lý do Covid-19. Về lâu dài theo ông, bộ ngành cần sớm nghiên cứu để ban hành các chính sách ứng phó, bảo vệ trẻ em trước tình trạng khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh.

Thống kê đến đầu tháng 9, cả nước ghi nhận hơn 11.800 trẻ em nhiễm nCoV, hơn 27.300 trẻ là F1. Ca nhiễm tập trung phần lớn ở các tỉnh thành phía Nam. TP HCM có số nhiễm cao nhất khoảng 3.000 em; gần 250 em mồ côi, cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Dịch đã xâm nhập vào 7 trong số 39 cơ sở nuôi dưỡng trẻ em ngoài công lập trong thành phố. Tại Hà Nội, 5% ca mắc trong tháng 7 là trẻ em từ 0 - 5 tuổi.

Hồng Chiêu

 

 -------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061