• 111
  • lang
  • lang

Trẻ thiếu kĩ năng giải quyết vấn đề, trẻ dễ sống trong lo âu trầm cảm?

Trẻ thiếu kĩ năng giải quyết vấn đề, trẻ dễ sống trong lo âu trầm cảm?

Đó là kết quả của 1 nghiên cứu cách đây 10 năm. Mãi đến tận bây giờ khoa học mới có thể hiểu rõ hơn về điều này và sự thành công, hạnh phúc của một đứa trẻ không chỉ phụ thuộc vào liệu trẻ có học hành đứng đầu lớp, biết đàn, hát hay, múa giỏi hay không... mà nó còn phụ thuộc lớn vào đứa trẻ đó có kỹ năng sống không. Hiện nay, giải quyết vấn đề là một trong những kỹ năng sống quan trọng mà những nền giáo dục ở các nước phát triển đã và đang hướng tới xây dựng cho trẻ ở độ tuổi sớm.

ĐỨA TRẺ THIẾU KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ SẼ NHƯ THẾ NÀO?

Đứa trẻ này sẽ tìm cách trốn tránh vấn đề hoặc khi vấn đề xảy ra chúng sẽ cảm thấy stress hơn và tìm kiếm giải pháp cũ và cố giữ lấy giải pháp này cho đến khi nhận ra nó là không thể. Khi đó, chúng thường rơi vào trạng thái mất hi vọng và căng thẳng lo âu.

NGƯỢC LẠI ĐỨA TRẺ CÓ KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ SẼ NHƯ THẾ NÀO?

Chúng không xem đó là vấn đề mà là thử thách. Sau mỗi thử thách chúng cảm thấy mạnh mẽ và hạnh phúc vì có những kỹ năng mới gặt hái được.

TẠI SAO TRẺ NGÀY NAY DỄ THIẾU KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ?

Mọi đứa trẻ sinh ra đều có thể là một nhà giải quyết vấn đề rất tốt trừ khi cha mẹ chúng không cho chúng cơ hội. Ngày nay, cha mẹ thường quan tâm đến con cái. Đó là một xu hướng tích cực, nhưng dễ làm thay trẻ, hở trẻ khóc 1 tí là làm thay hay dỗ ngọt cho qua. Đó không phải thương trẻ mà là có 1 chút ích kỷ vì nó sẽ lấy đi cơ hội để trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề từ chính bản thân trẻ.

DẠY TRẺ KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NHƯ THẾ NÀO?

1. Cha mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm cố vấn cho trẻ ở bất kì tình huống nào trẻ gặp khó khăn.

2. TS. Lockart từng chia sẻ mô hình 5-1 như sau:

Mô hình này bắt đầu bằng khuyến khích trẻ suy nghĩ về vấn đề trước tiên. Nhà bác học thiên tài Einstein từng nói: “Nếu tôi có 1 giờ để giải quyết một vấn đề, tôi sẽ bỏ ra 55 phút nghĩ về vấn đề, và 5 phút nghĩ về giải pháp.” Cho phép trẻ nói, hét lớn, thậm chí kèm cảm xúc của trẻ (nếu có) về vấn đề trẻ đang gặp phải. Điều này sẽ giúp trẻ biết chấp nhận thử thách. Do đó, trẻ có quyền khóc, tức tối hay giận dữ ở tại thời điểm này là bình thường.

Sau đó, giúp trẻ suy nghĩ về các cách có thể để giải quyết vấn đề. Nhấn mạnh cho trẻ hiểu rằng tất cả các giải pháp không nhất thiết phải là những ý tưởng hay. Giúp con bạn phát triển các giải pháp nếu chúng đang gặp khó khăn trong việc đưa ra các ý tưởng. Ngay cả một câu trả lời ngớ ngẩn hoặc một ý tưởng xa vời cũng là một giải pháp. Điều quan trọng là giúp trẻ thấy rằng với một chút sáng tạo, con có thể tìm ra nhiều giải pháp tiềm năng khác nhau. Khuyến khích trẻ đưa ra khoảng 5 giải pháp.

Tìm ra những thuận lợi và khó khăn của mỗi giải pháp. Và chọn 1 và thử nó ngay. Nếu thất bại, lại tiếp tục cái khác.

3. Cho kết quả tự nhiên diễn ra. Nghĩa là, đừng cố làm nó khít như bạn mong muốn nó xảy ra với trẻ. Kết quả có thể lệch mong đợi nhưng nó cần tự nhiên nhất vì đó là cách trẻ hiểu về kết quả. VD, trẻ vẽ 1 con mèo được tô màu xanh lá và có thể lên lớp sẽ không thể đạt điểm 10, bạn cố tô màu thêm vần đen hay dậm theo đường nét hay gợi ý tô màu khác. Đó là bạn đang cố bóp méo kết quả tự nhiên. Có lẽ trẻ sẽ có điểm cao, nhưng trẻ không bao giờ hiểu được kết quả tự nhiên của trẻ. Đứa trẻ không thể nào học được kỹ năng giải quyết vấn đề khi không thể biết kết quả trẻ sẽ có 1 cách tự nhiên nhất là như thế nào.

4. Nhiều bạn có thể nói rằng: nói thì dễ nhưng làm thì khó, vì vậy cứ hãy làm cho trẻ đã, rồi sẽ dạy sau. Thật ra, kỹ năng giải quyết vấn đề nằm ở chính mỗi đứa trẻ khi có vấn đề xảy ra. Nếu mọi thứ đều được trải thảm đỏ thì trẻ không thể nào phát huy được nó. Và 1 điều tất cả chúng ta đều biết: chúng ta không thể đi hết con đường trẻ đi và không thể ngăn trẻ tránh mọi rắc rối trừ khi chính bản thân trẻ biết và làm chủ nó.

-----------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616