• 111
  • lang
  • lang

Trò chuyện với trẻ về xâm hại tình dục: Không có khuôn mẫu về thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em

Xâm hại tình dục trẻ em là một chủ đề nhạy cảm nhưng cần được nhiều người biết đến, đặc biệt là trẻ em, gia đình các em, trường lớp nơi các em đang theo học và cộng đồng mà các em đang sinh sống. Hiện không có một chân dung cụ thể về thủ phạm của tội ác xâm hại tình dục trẻ em, không thể khẳng định hoàn toàn thủ phạm chắc chắn là người lạ mà lơ là cảnh giác với những người quen biết với trẻ. Trước khi tìm hiểu kỹ hơn về thủ phạm, hãy cùng tìm hiểu về nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em.


AI CÓ THỂ LÀ NẠN NHÂN CỦA XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM?

Trong thực tế, thủ phạm XHTDTE có thể nhắm tới bất kỳ trẻ em nào. Nạn nhân có thể là trẻ em trai hoặc trẻ em gái. Trẻ em là bất kỳ ai dưới 18 tuổi. Điều này nghĩa là nạn nhân có thể là bất kỳ trẻ em nào trong độ tuổi từ 0-17 tuổi. Đó có thể là trẻ sơ sinh, thiếu nhi hay thiếu niên.

Qua nhiều nghiên cứu và điều tra cho thấy trẻ em thuộc giới tính thứ ba hoặc trẻ em bị bóc lột tình dục có thể có nguy cơ cao. Đặc biệt, những trẻ em khuyết tật cũng có thể nằm trong nhóm có nguy cơ cao, bao gồm các loại khuyết tật: vận động, giác quan (ví dụ, nghe hay nhìn), trí tuệ hay tâm thần.

Gia đình và xã hội cần biết rằng xâm hại tình dục trẻ em có thể ảnh hưởng đến mọi trẻ em, mọi gia đình. Quan trọng nhất, không bao giờ được đổ lỗi cho trẻ em bị xâm hại. Đôi lúc là lời buộc tội ngầm hay gián tiếp. Bất kỳ trẻ em nào là nạn nhân của xâm hại cũng nên được đảm bảo là không bị buộc tội về những gì đã xảy ra với các em.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, có những cộng đồng không tin trẻ em trai là mục tiêu xâm hại tình dục. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống lành mạnh của trẻ em trai và điều này cũng có nghĩa là cộng đồng không có cơ chế bảo vệ mạnh mẽ cho những trẻ em trai như là cho những trẻ em gái.

Ví dụ, thực tế ở nhiều nước cho thấy, trẻ em trai có nguy cơ cao bị buôn bán hay bóc lột, vì các bậc cha mẹ dễ cho phép các em đi lại, mà không được bảo vệ, hơn là trẻ em gái.

 

AI CÓ THỂ LÀ THỦ PHẠM XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM?

– Đàn ông hay đàn bà
– Thành viên của gia đình (cha, chú, cô, ông... hay họ hàng)
– Bạn bè hoặc những người có vẻ đáng tin cậy (giáo viên, cán bộ y tế, huấn luyện viên thể dục...). Nên nhớ đa số trẻ em bị xâm hại bởi người quen.
– Người lạ.
– Các trẻ em khác và thanh niên. Điều quan trọng là phải cảnh giác với xâm hại tình dục đôi khi do các trẻ em khác, người nhiều tuổi hơn, thực hiện.
– Những người thuộc bất kỳ cộng đồng, quốc gia, bất kỳ lứa tuổi, nghề nghiệp hay tôn giáo nào.
– Đa phần các kẻ xâm hại trong những trường hợp được xác định là người địa phương.

Dù thủ phạm là ai, thì những hậu quả gây ra cho nạn nhân là trẻ em đều nghiêm trọng như nhau. Nhiều vụ xâm hại tình dục không được báo cáo, vì nhiều lý do khác nhau, nên bức tranh thực tế về xâm hại tình dục trẻ em vẫn chưa rõ ràng.


NHỮNG CÁI BẪY VÀ THỦ ĐOẠN CỦA KẺ XÂM HẠI

Những kẻ xâm hại sử dụng nhiều thủ đoạn để tiếp cận trẻ em và thực hiện hành vi xâm hại. Không ít người thường nghĩ rằng, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra một cách ngẫu nhiên bởi một người lạ. Trong khi thực tế, những kẻ xâm hại hoặc những kẻ môi giới thường dành nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ với trẻ (đôi khi là với gia đình trẻ).

Quá trình xây dựng mối quan hệ giữa thủ phạm xâm hại với trẻ em hoặc gia đình của các em được gọi là “Dụ dỗ” và có thể diễn ra theo một số bước.
 

 

NGOÀI THỦ ĐOẠN DỤ DỖ, KẺ XÂM HẠI CÒN CÓ THỂ SỬ DỤNG NHIỀU CÁCH THỨC KHÁC ĐỂ LÀM HẠI TRẺ: Không phải tất cả những kẻ xâm hại đều áp dụng thủ đoạn dụ dỗ.

- Tấn công bất ngờ: Trong một số trường hợp, chúng có thể tấn công bất ngờ. Kẻ xâm hại có thể tấn công trẻ bất ngờ ngay khi có cơ hội.

- Mua chuộc: Kẻ xâm hại có thể chi tiền cho ai đó để tìm kiếm trẻ em cho mục đích xâm hại. Kẻ bị mua chuộc sẽ tìm kiếm trẻ hay gia đình của những trẻ phù hợp.

- Lừa dối và chi phối: liên quan đến mua chuộc, kẻ xâm hại hay kẻ được mua chuộc có thể lừa dối hay chi phối trẻ hoặc gia đình trẻ. Điều này sẽ trở thành nguy cơ thực sự khi trẻ hay gia đình trẻ gặp tình cảnh khó khăn.

- Ép buộc: Có thể liên quan đến các hành vi đã đề cập nhưng cũng có thể bao gồm các hành vi khác như: gửi thư nặc danh, đe dọa hay các dạng xâm hại khác.

 

Mời theo dõi các phần tiếp theo

-------------

Nguồn tham khảo: Tài liệu Phòng ngừa Xâm hại Tình dục trẻ em: Hướng dẫn thảo luận với Cha mẹ và Người chăm sóc: https://www.wvi.org/sites/default/files/VIETNAMESE_Parents%20&%20carers%20Toolkit.pdf
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616