Có một câu chuyện tôi từng đọc về GS. Jennifer Doudna, người đạt giải Nobel năm 2020:
"Từ rất nhỏ, cha mẹ của bà luôn giúp bà xây dựng tình yêu và phát triển trí tò mò với đa dạng vấn đề tự nhiên và khoa học thông qua đọc sách cho bà nghe, đưa bà đến bào tàng, nhà sách. Khi nhận ra con mình quá đam mê khoa học, cha mẹ bà đã dẫn bà gặp một người bạn của họ tên Don Hermes, là nhà sinh học và bà được tham gia 1 dự án sinh học nhỏ chỉ 2 tuần về 1 loài nấm. Lần đầu tiên trong cuộc đời, cô bé Jennifer có 1 cảm giác phấn khích thực sự khi được tìm hiểu và được quan sát làm sao ion canxi giúp loài nấm này phát triển. Một chữ WOW ngạc nhiên rất lớn xuất hiện trong đầu cô bé! Chắc bạn có thể đoán được cô bé nhỏ phải phấn khích như thế nào! 50 năm sau, cô bé Jennifer đã cho cả thế giới biết chữ WOW lớn như thế nào khi tạo ra "chiếc kéo vàng CRISPR-Cas9".
Thực ra, chính tư duy giáo dục của cha mẹ là yếu tố quyết định sự thành công của một đứa trẻ. Đôi lúc nó đến từ sự quan tâm của cha mẹ vào những điều nhỏ bé trong việc học tập của con trẻ nhưng sẽ tạo ra 1 thành tựu lớn lao sau này của trẻ.
TẠI SAO CẦN CÓ TƯ DUY GIÁO DỤC?
Tư duy giáo dục thực ra nói đơn giản là biết đặt sự giáo dục con trẻ lên làm ưu tiên số 1. Nuôi dưỡng niềm tin vào một cuộc sống tốt hơn bằng giáo dục trong trẻ. Những gia đình càng khó khăn, càng không có điều kiện, lại càng cần có tư duy "đổi đời bằng giáo dục" ở chính trong người cha người mẹ, bởi vì điều này sẽ giúp con cái bạn tiến đến sự thành công nhanh hơn.
TƯ DUY GIÁO DỤC NÊN ĐƯỢC THỂ HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Bằng cách đầu tư vào giáo dục cho trẻ ngay từ sớm và thiết lập sự ưu tiên ở mỗi đứa trẻ.
Khi nghiên cứu về giáo dục ở gia đình nghèo và giàu, GS. Golinkoff, ĐH Delaware, Mỹ cho biết, không phân biệt giàu hay nghèo, cha mẹ chỉ cần nuôi dưỡng ý chí giáo dục ở trẻ từ độ tuổi nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn phát triển não bộ là cách giúp các bé này phá vỡ khoảng cách giàu nghèo trong tương lai bằng cách cố gắng học tập. Có nhiều cách để xây dựng ý chí giáo dục ở trẻ như sau:
1. Quan tâm và tạo điều kiện đọc sách cho trẻ. Thói quen đọc sách là có thể hình thành từ nhỏ. Nó sẽ khơi nguồn khám phá và sáng tạo ở trẻ. Đọc sách cũng là cách giúp trẻ học được các kỹ năng như cách chọn lọc, đánh giá và sử dụng thông tin.
2. Trò chuyện và chơi với trẻ mỗi ngày, đặc biệt với các trẻ dưới 6 tuổi.
3. Luôn cho trẻ được đến trường, quan tâm đến bài vở của con. Đừng chỉ quan tâm đến điểm số, mà là công việc con đang làm.
4. Tôn trọng và cho trẻ có ý kiến.
5. Tránh dùng các từ hổ báo để giao tiếp với trẻ. Cha mẹ có tư duy giáo dục cần biết cách sử dụng ngôn từ để giao tiếp với trẻ.
6. Đặt mục tiêu phấn đấu để trẻ có kỳ vọng và cố gắng.
7. Luôn giúp con khảo bài hay hướng dẫn các bài tập về nhà khi con gặp khó khăn.
8. Đừng nói các vấn đề làm mất ý chí học tập của con trẻ như phê phán sự ngu dốt của trẻ, so sánh nặng lời với trẻ khác, hay la chửi con ngu khi con không đạt mục tiêu hay gặp khó khăn trong học tập
9. Việc học của trẻ là ưu tiên trên tất cả ưu tiên. Do đó, hãy ưu tiên thời gian của bạn mỗi ngày cho sự ưu tiên này.
Sưu tầm
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616