• 111
  • lang
  • lang

Ứng dụng công nghệ giúp trẻ em trong học tập và giải trí

Sự phát triển vượt bậc của các loại hình công nghệ thông tin đã mang đến cơ hội học tập và giải trí cho trẻ em ở mọi nơi, mọi lúc. Những ứng dụng này cũng giúp trẻ em tiếp cận, hòa nhập thế giới một cách chủ động và tự tin.

Vai trò của công nghệ đối với việc học tập 

Sau đại dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, vui chơi, giải trí của trẻ em đã trở nên rất phổ biến. Công nghệ thông tin còn có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa quá trình học tập của trẻ theo nhiều cách khác nhau.

Bên cạnh những ứng dụng cung cấp bài tập, bài kiểm tra và tự đánh giá năng lực cá nhân, nhiều ứng dụng còn giúp học sinh nắm bắt kỹ năng làm thí nghiệm khoa học, chơi nhạc cụ, lập trình, thiết kế đồ họa…

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp trẻ em tiếp cận, hòa nhập thế giới một cách chủ động và tự tin.

Cũng nhờ các ứng dụng này, việc học tập của trẻ em không còn phụ thuộc quá nhiều vào sách vở và mang lại nhiều giá trị tích cực, đặc biệt là việc học ngoại ngữ. Những ứng dụng phổ biến như Duolingo, Media Maker, Memrise… có thể giúp trẻ em luyện tập các ngôn ngữ trên thế giới vào bất cứ thời điểm nào. Các ứng dụng công nghệ thông tin cũng ngày càng được cải tiến để bắt kịp xu hướng mới nhất.

Ngoài ra, còn rất nhiều ứng dụng hỗ trợ trẻ luyện nghe, nói, giao tiếp, trau dồi vốn từ vựng… thông qua các video có hình ảnh đẹp, vui nhộn và được chia thành nhiều chủ đề để phù hợp với lứa tuổi, trình độ của trẻ. Thông thạo một hoặc nhiều ngoại ngữ là điều kiện đầu tiên để thế hệ trẻ ngày nay tiếp cận môi trường học tập và làm việc quốc tế trong tương lai.

Hỗ trợ tìm kiếm kiến thức

Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, trẻ em có thể tìm hiểu, khám phá nguồn tri thức toàn cầu về mọi chủ đề mà các em quan tâm, từ lịch sử, địa lý, khoa học đến toán học, vật lý, hóa học… Các nguồn dữ liệu đã được số hóa sang nhiều ngôn ngữ khác nhau của các thư viện danh tiếng trên thế giới đã giúp trẻ cập nhật và mở rộng kiến thức, sự hiểu biết về thế giới xung quanh. 

Một trong số đó là Thư viện Kỹ thuật số toàn cầu, với bộ sưu tập độc đáo hơn một triệu cuốn sách và dự kiến tăng lên 10 triệu trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, Universal Digital Library với kho lưu trữ sách điện tử phong phú có các đối tác như Đại học Bắc Kinh và Đại học Phúc Đán ở Trung Quốc, Viện Khoa học Ấn Độ và Bibliotheca Alexandrina ở Ai Cập… cũng là một kho tàng kiến thức vô tận để trẻ khám phá.

Ngoài ra, Thư viện Harvard (thuộc Trường đại học Harvard), với hơn 6 triệu tài liệu từ cổ đại đến các bản thảo hiện đại và tài liệu nghe, nhìn được cung cấp trực tuyến đã và đang giúp nhiều trẻ em tự nghiên cứu và học tập. Thư viện cũng là kho tàng kiến thức khuyến khích trẻ tự do khám phá theo sở thích cá nhân.

Tạo thuận lợi cho nhóm trẻ đặc biệt

 

Những nhóm trẻ gặp khó khăn với hình thức giáo dục truyền thống, đặc biệt là nhóm trẻ khuyết tật, công nghệ thông tin chính là một trong những công cụ và nguồn lực có thể giúp các em cải thiện việc học tập và chất lượng cuộc sống. Ví dụ: Với trẻ gặp khó khăn trong việc viết chữ, những ứng dụng chuyển giọng nói thành văn bản sẽ hỗ trợ ghi chép lại bài học. 

Với trẻ học bằng thính giác, có thể sử dụng nhiều nền tảng Finger Reader để đọc văn bản được in trên sách. Theo đó, khi trẻ dùng di chuyển ngón tay trên mỗi dòng, camera sẽ quét văn bản và cung cấp phản hồi âm thanh trong thời gian thực, hỗ trợ việc học dễ dàng hơn. 

Với trẻ học bằng thị giác, các bài học minh họa trực quan, sinh động, giúp dễ tập trung và hiểu bài hơn. Bên cạnh đó, nhiều nền tảng hỗ trợ hiển thị giọng nói dưới dạng văn bản sẽ giúp trẻ theo dõi bài tốt hơn.

Với trẻ học bằng xúc giác, công nghệ có thể hiển thị văn bản, hình ảnh trên những màn hình nổi, giúp dễ dàng đọc và hiểu nội dung 
bài học.

Với trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, ứng dụng Talkitt hỗ trợ chuyển những phát âm khó hiểu của người bị rối loạn ngôn ngữ thành những lời dễ hiểu để có thể giao tiếp bình thường.

Mang lại phương tiện giải trí hấp dẫn

Các ứng dụng công nghệ dành cho trẻ em ngày càng được đầu tư và phát triển mạnh mẽ, giúp trẻ không chỉ được tiếp cận với nguồn tri thức, văn hóa phong phú, kết nối với thế giới bên ngoài một cách dễ dàng mà còn mang lại nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn.

Chơi game có kiểm soát trên các thiết bị máy tính bảng hay điện thoại cũng là cách cho trẻ em giải trí hay thư giãn sau giờ học tập. Một số các trò chơi mang tính giáo dục cũng giúp cho trẻ phát huy khả năng tư duy, sáng tạo và nhiều kỹ năng bổ ích như giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, khả năng 
tập trung… 

Bài học từ việc sử dụng công nghệ

Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ, trẻ em vì thế cũng trở thành những công dân số từ rất sớm. Công nghệ thông tin bên cạnh việc mang đến cơ hội học tập và giáo dục rộng mở, hữu ích, thiết thực cho mọi trẻ em thì cũng có những thách thức trong hướng dẫn, quản lý, giám sát trẻ sử dụng công nghệ một cách an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, thậm chí ngay cả những nguy cơ, những tác động không mong muốn của công nghệ thông tin cũng sẽ là bài học để trẻ em có thể thay đổi trong suy nghĩ và hành động. 

Xuân Quang

Ấn phẩm Vì trẻ em số 13

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/ung-dung-cong-nghe-giup-tre-em-trong-hoc-tap-va-giai-tri-20240716120419846.htm

 

______

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:   Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.