Tại Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2022 – Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với UNICEF tổ chức Hội thảo tham vấn để học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia đã ban hành luật tư pháp người chưa thành niên.
Hội thảo diễn ra tại Hà Nội với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu trong khuôn khổ Dự án Tăng cường luật pháp và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE). Thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và các điển hình tốt nhất của quốc tế và khu vực, Hội thảo là diễn đàn để thảo luận về những biện pháp chiến lược nhằm tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên đóng góp vào đề cương của một đạo luật tư pháp người chưa thành niên toàn diện.
“Ý kiến góp ý của các chuyên gia, các đại biểu là nguồn tư liệu quan trọng cho Tòa án nhân dân tối cao cân nhắc, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Trong những năm vừa qua, nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về tư pháp với người chưa thành niên. Tuy nhiên, việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật được quy định rải rác trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, gây tản mạn và khó khăn cho việc thi hành pháp luật hiệu quả.
“UNICEF tham gia tích cực vào bước đi quan trọng này hướng tới việc xây dựng một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên. Chúng tôi hoan nghênh việc áp dụng một cách tiếp cận toàn diện để mang lại những sự thay đổi chiến lược nhằm tăng cường tiếp cận tư pháp cho tất cả người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng như nạn nhân, nhân chứng của tội phạm”, bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam phát biểu.
Nhận thức được tính dễ bị tổn thương đặc trưng của người chưa thành niên, Công ước Quyền trẻ em yêu cầu thiết lập một hệ thống riêng và áp dụng cách tiếp cận chuyên biệt cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trọng tâm của hệ thống này là một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên như nhiều quốc gia trên thế giới và hầu như tất cả các nước ASEAN đã làm.
“Một đạo luật toàn diện về Tư pháp cho người chưa thành niên là nền tảng của một hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên, trong đó quy định các nguyên tắc, mục tiêu, thủ tục, và dịch vụ đặc thù, được điều chỉnh cho phù hợp với người chưa thành niên”, ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.
Các diễn giả quốc tế và đông đảo chuyên gia từ các ủy ban hữu quan của Quốc hội, các bộ, ngành, tổ chức xã hội, các tòa án nhân dân ở trung ương và địa phương, các tổ chức phát triển đã tham dự Hội thảo và đã thảo luận sâu về các vấn đề liên quan đến tư pháp người chưa thành niên như sự cần thiết của công tác điều phối và phối hợp liên ngành hiệu quả, thủ tục thân thiện với người chưa thành niên và nhạy cảm giới khi giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên, hệ thống biện pháp và chế tài xử lý liên tục từ nhẹ đến nặng, vai trò của nhân viên công tác xã hội trong mọi giai đoạn của tiến trình tư pháp người chưa thành niên cũng như việc phát triển các dịch vụ phúc lợi xã hội để giáo dục, phục hồi người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại cộng đồng.
Theo Unicef Việt Nam
--
Nếu phát hiện hoặc chứng nhận hành vi bạo lực, bị hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn vui lòng:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ chính thức các tài khoản của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia bảo vệ Trẻ em: https : //www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn