• 111
  • lang
  • lang

Vụ bố hành hung dã man con gái: Có thể truy cứu hình sự?

Theo luật sư, khi thực hiện hành vi bạo lực với trẻ em, dù chỉ gây thương tích nhẹ thì chủ thể thực hiện hành vi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trao đổi xung quanh bài viết "Bị bố ruột hành hung dã man, bé gái chạy trốn trong đêm" Dân trí đã đăng tải, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM), cho biết chưa nắm được thông tin sự việc.

Tuy nhiên, qua phản ánh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM sẽ tiến hành rà soát, xác minh thông tin, xúc tiến việc can thiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu bé.

Phân tích từ góc độ pháp lý, luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016 quy định, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Căn cứ điều khoản luật này có thể xác định, bạo lực đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm. Thực tế, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi, hình thức xâm phạm đến quyền trẻ em, trong có đó có việc bạo hành trẻ.

Theo đó, khi có hành vi bạo lực đối với trẻ em, người thực hiện tội phạm có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Và dù chỉ gây thương tích nhẹ thì chủ thể thực hiện hành vi vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Huyền, hành vi của ông bố trong clip có dấu hiệu phạm một trong các tội sau: "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác", "Hành hạ người khác" hoặc tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình".

Nữ luật sư cũng dẫn chiếu khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào cố ý gây thương tích, tổn hại đối với trẻ em, dù thương tích dưới 11% vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. 

Tại khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Điều 185 Bộ luật Hình sự quy định về tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình", theo bà Huyền, cũng có thể quy kết đối với hành vi của người cha tên H. trong tình huống này. 

Được biết, sự việc xảy ra tối muộn ngày 8/8. Người đàn ông trong đoạn clip được xác định là V.M.H., người bị hành hung là V.N.M.T. (con gái H., hiện ở cùng cha tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM). Toàn bộ sự việc do camera an ninh ghi lại và mẹ của T. đã nhờ người đăng lên mạng xã hội để cầu cứu.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị T.N. (mẹ của T.) cho biết, vào thời điểm xảy ra sự việc, anh H. ngồi nhậu ở nhà hàng xóm. Lúc này, T. đi vào bên trong nhà trò chuyện cùng vợ người bạn nhậu của bố.

"Con bé kể lại, do nghi ngờ con nói xấu mình với vợ của bạn, H. đã mắng chửi và đánh đập con", chị N. nói.

Mặc cho người hàng xóm ngăn cản, H. đã lao vào đánh con, thậm chí còn quật ngã người bạn xuống đất. Sau đó, H. leo lên xe bỏ đi. Cháu T. do quá sợ hãi nên đã trốn trong nhà người hàng xóm.

Theo chị N. giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua, gia đình khó khăn, áp lực tài chính lớn, hai vợ chồng bất đồng quan điểm, xung đột phát sinh dẫn đến ly hôn.

Chị N. cho biết đã nộp đơn lên tòa án để giành lại quyền nuôi con. Riêng về việc trình báo cơ quan chức năng, chị N. vẫn e dè là không đủ bằng chứng tố cáo, đang thảo luận thêm cùng gia đình để tìm phương án xử lý tốt nhất.

Về cháu T., hiện tâm lý cô bé đã dần ổn định khi được đón về ở cùng mẹ và gia đình bên ngoại.

Nguồn tham khảo:

https://dantri.com.vn/an-sinh/vu-bo-hanh-hung-da-man-con-gai-co-the-truy-cuu-hinh-su-20230823122718742.htm

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn