Đại diện Cục Trẻ em cũng khẳng định, lỗi lầm của người lớn không liên quan đến trẻ em và sự việc các em bé tại đây bị các đối tượng trục lợi bất chính đã có cơ quan công an xử lý. Pháp luật có quy định rõ việc lộ bí mật thông tin của các em bé tại đây sẽ bị xử phạt.
Trẻ em ở Tịnh Thất Bồng Lai không phải là mồ côi, lang thang
Theo Cục trưởng Đặng Hoa Nam, các em bé tại Tịnh Thất Bồng Lai không phải trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ vì đều được khai sinh, sống với mẹ tại Tịnh Thất. Do đó, việc các đối tượng ở Tịnh Thất Bồng Lai lấy danh nghĩa trẻ mồ côi, lang thang, đối tượng bảo trợ xã hội là hành vi chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng ở Tịnh Thất Bồng Lai lợi dụng trẻ em để chiếm đoạt tài sản người khác.
Ông Nam thông tin, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Long An gửi cho Cục Trẻ em, nhóm trẻ em tại Tịnh Thất Bồng Lai đều có giấy khai sinh, các em được mẹ đứng tên chăm sóc, có nơi ăn chốn ở tại Tịnh Thất Bồng Lai. Nơi đây cũng không được coi là cơ sở bảo trợ xã hội, nhà chùa mà họ chỉ nhân danh.
"Chính vì vậy, các em không phải là trẻ mồ côi và là đối tượng được bảo trợ xã hội. Việc người ở Tịnh Thất Bồng Lai nói những đứa trẻ này mồ côi, lang thang cơ nhỡ để vận động từ thiện là tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an khởi tố tội danh là đúng pháp luật", ông Nam thông tin.
Kết quả giám định của cơ quan chức năng Long An mới đây cho thấy, hàng loạt đứa trẻ (trẻ nhỏ nhất sinh năm 2018) có quan hệ huyết thống với ông Lê Tùng Vân (hiện 90 tuổi). Khi PV hỏi về tình tiết điều tra tội loạn luân trong vụ án có tác động thế nào đến việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ông Nam cho rằng nên chờ kết quả điều tra của cơ quan công an để làm sáng tỏ vụ việc.
"Vấn đề đặt ra hiện nay phải làm rõ, có hay không dấu hiệu xâm hại tình dục, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em vị thành niên", Cục trưởng Nam nói.
Về việc bảo đảm quyền hợp pháp, danh tính, thân nhân của nhóm trẻ em, trong đó có nhiều em nhỏ, ông Nam cho biết: "Trẻ em vẫn có quyền được hưởng các quyền lợi bình thường, được đối xử bình đẳng và được pháp luật bảo vệ danh tính, nhân thân. Bố mẹ, người khác vi phạm sẽ bị xử lý trước pháp luật".
Ông Nam cho rằng, hiện trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông đưa quá chi tiết về tên, tuổi của các bé; tên tuổi mẹ ruột của các em bé tại Tịnh Thất Bồng Lai như vậy vi phạm điều 31, Nghị định 130/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Từ 1/1/2022, tiết lộ thông tin trẻ em không được phép bị phạt 20-30 triệu đồng
Theo Điều 31, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH.
Thông tin bao gồm: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, vụ việc một lần nữa nhấn mạnh việc quản lý Nhà nước đối với các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập phải tăng cường ở nhiều góc độ: "Phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và các cơ sở bảo trợ xã hội nói chung. Thường xuyên rà soát xem đối tượng chăm sóc này có đúng đối tượng hay không".
Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng: "Bài học từ vụ Tịnh Thất Bồng Lai là phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc vận động, sử dụng nguồn tiền từ thiện cho cơ sở này, bao gồm tiền, hàng hóa, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em".
Chia sẻ thêm với Dân trí, ông Nguyễn Hải Hữu, chuyên gia về trẻ em, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em, cho rằng: "Lỗ hổng của pháp luật trong vụ việc xảy ra ở Tịnh Thất Bồng Lai là các đối tượng lợi dụng trẻ mồ côi, trẻ lang thang, trẻ em là đối tượng được bảo trợ xã hội để vận động tiền, quyên góp tiền của các cá nhân, tổ chức khác".
Ông Hải Hữu cho rằng: Thủ tục cho, nhận con nuôi đều có hồ sơ của cơ quan chức năng nên không thể tự nhận là con nuôi, trẻ mồ côi là được. Việc kiểm tra, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ mồ côi, đối tượng lang thang cơ nhỡ cũng thường xuyên, không có chuyện tự nhận mà được. Vụ việc này cho thấy kẽ hở pháp luật và đã bị đối tượng xấu lợi dụng.
Nguồn: Báo Dân trí.
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616