• 111
  • lang
  • lang

Xoa chỗ đau cho chiếc ghế con.

Kỹ xảo làm người tốt nhất mà bố mẹ có thể dạy cho con chính là làm người tốt. Tốt bụng và độ lượng luôn luôn song hành với nhau, một cô bé biết xoa chỗ đau cho chiếc ghế con, thì sẽ biết thấu hiểu và dành nhiều tình yêu thương hơn cho người khác, gặp phải vấn đề gì không bao giờ nằng nặc giữ ý kiến và lợi ích cho mình. Lối tư duy này không những giúp cô bé cảm thấy vui vẻ trong hiện tại, mà còn đảm bảo cho cô bé suốt đời không phải chịu thiệt thòi.

Thường có tình huống như thế này, em bé đùa nghịch hoặc đang đi, không may vấp vào vật gì đó, đau rồi bật khóc. Để an ủi trẻ, bố mẹ thường vừa dỗ trẻ, vừa cố tình đưa tay đánh “kẻ gây sự” đó, “trách” nó tại sao lại làm trẻ bị đau, ra vẻ “trả thù” cho trẻ. Sau đó an ủi trẻ nói, chúng mình đã đánh nó rồi, nó không dám động vào con nữa đâu. Có thể lúc này con trẻ được an ủi phần nào, hết khóc và bật cười, bố mẹ cũng cảm thấy rất hài lòng. Đây là cách làm không hay, là một “hành động trả thù”. Nó dạy cho trẻ khi gặp chuyện gì không vui sẽ trách cứ người khác, dạy cho trẻ tính không biết khoan dung và thích báo thù, không có lợi cho sự phát triển tâm lý của trẻ.

Kỹ xảo làm người tốt nhất mà bố mẹ có thể dạy cho con chính là làm người tốt.

Có thể người lớn sẽ nghĩ, cái bàn làm trẻ vấp ngã, tôi chỉ đánh nó thôi, bàn đâu có biết đau, điều này có sao đâu, tôi có dạy trẻ đánh người đâu. Thực ra, trong mắt con trẻ, vạn vật đều là vật, nói chuyện với một nhành cỏ cũng giống như nói chuyện với người lớn, thái độ với một cái bàn cũng giống như thái độ với người lớn. Có lúc, tình cảm của một bé gái đối với con búp bê mà bé yêu thích không hề thua kém tình cảm mà bé dành cho người chị gái ruột của mình. Con trẻ ngây thơ như một trang giấy trắng, đối với chúng mọi chuyện đều mới mẻ, mọi sự kinh qua đều là quá trình trải nghiệm và học hỏi.

Tôi đã từng được gặp một số em bé trong mắt chứa đầy vẻ đối địch, những em bé rất dễ nổi cáu, dễ dàng tấn công người khác. Có một bà mẹ, miệng vừa kêu ca cậu con trai của mình hay đánh bạn, nói “không được đánh bạn”, vừa hậm hực “giáo huấn” chiếc bàn vừa va vào đầu cậu con trai. Nhìn thấy con trai túm đánh bạn nhỏ khác, chị cũng nạt qua loa, thái độ hàm chứa sự dung túng, có thể là sợ con trai bị thiệt; bình thường còn thích đánh đùa bố của đứa trẻ, lấy đó làm niềm vui. Sau khi đi học mẫu giáo, cậu con trai của người mẹ này không chơi được với bạn, thường xuyên đánh bạn, khiến cả cô giáo và bố mẹ các bé khác đều có ý kiến. Có thể tự đáy lòng cậu bé này rất muốn chơi với các bạn nhỏ khác, nhưng trong quá trình chơi lại luôn luôn có ý thức bảo vệ mình, chỉ sợ mình bị người khác bắt nạt, hầu hết là kết thúc cuộc chơi trong sự mâu thuẫn với các bạn. Vì thế cậu bé này rất cô độc. Mỗi lần nhìn thấy ánh mắt vừa cô đơn vừa đối địch đó, tôi luôn cảm thấy lo lắng cho tương lai của cậu.

Tôi cũng từng được gặp không ít người lớn “chưa trưởng thành”, lối tư duy của họ về cơ bản là “chủ nghĩa đơn phương”, mọi cái “lý” đều đứng về phía họ, họ không hề quan tâm đến công việc và sự cảm nhận của người khác, công việc và tâm trạng của mình là điều quan trọng nhất, suy nghĩ của mình là đúng đắn nhất. Trong công việc hàng ngày và trong cuộc sống, lúc nào cũng tỏ ra hẹp hòi, ích kỷ. Không những khiến người khác không vui, mà còn thường đem lại điều không vui cho mình. Khi họ sốt sắng bảo vệ lợi ích cho mình, một số lợi ích đích thực trong cuộc đời con người lại lặng lẽ trôi mất.

Người tốt bụng mới là người ít có va chạm nhất với thế giới, mới dễ dàng trở thành người hạnh phúc. Những đứa trẻ không khắt khe về mặt suy nghĩ, lớn lên sẽ có cách đối nhân xử thế tự nhiên, có mối quan hệ hài hòa với mọi người, sẽ có được nhiều sự giúp đỡ và nhiều cơ hội hơn. Khi “xoa chỗ đau cho chiếc ghế con” trở thành một lối tư duy của con trẻ, trong cuộc sống trẻ sẽ biết thấu hiểu, tốt bụng và được tôn trọng - và những cái mà trẻ lấy được từ cuộc sống, cũng chính là những điều này.

Những đứa trẻ không khắt khe về mặt suy nghĩ, lớn lên sẽ có cách đối nhân xử thế tự nhiên, có mối quan hệ hài hòa với mọi người

Lưu ý đặc biệt

Khi trẻ còn nhỏ, mọi tình tiết trong cuộc sống đều có thể trở thành sự kiện hàm chứa ý nghĩa giáo dục quan trọng, trong giáo dục trẻ em không có chuyện nhỏ, mỗi chuyện nhỏ đều là “chuyện lớn”, đều có thể phát triển thành một thói quen tốt hoặc đức tính xấu ở trẻ. Khi trẻ còn nhỏ, những chuyện va chạm, vấp ngã sẽ thường xuyên xảy ra, một mặt bố mẹ cần đặc biệt chú ý đến sự an toàn của trẻ, mặt khác khi xảy ra những chuyện như vậy, cũng không nên tỏ ra ngạc nhiên quá mức. Cố gắng nhìn nhận sự việc bằng tâm trạng vui vẻ, thoải mái, để trẻ cảm nhận được rằng chuyện này rất bình thường, thậm chí có phần thú vị. Nếu động một chút là người lớn tỏ ra hoảng hốt, lo sợ, không những không thể an ủi được con trẻ, mà còn làm cho chúng sợ, ngoài sự đau đớn về thể xác, về mặt tâm lý cũng cảm thấy sợ hãi.

---

Nguồn tham khảo: Doãn Kiến Lợi.

----

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616