• 111
  • lang
  • lang

Báo cáo hoạt động hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Năm 2022 và Quý I năm 2023)

Ngày 19/5/2023 trong khuôn khổ dự án “Tăng cường hiệu quả của hệ thống bảo vệ trẻ em Việt Nam”, Cục Trẻ em phối hợp với ChildFund Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn về triển khai mô hình hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin, tư vấn và hỗ trợ cho trẻ em qua điện thoại, năm 2022 và 2023 cùng với sự hỗ trợ của ChildFund Việt Nam, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp tục triển khai mô hình hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp. Để thực hiện mô hình này ChildFund đã hỗ trợ Tổng đài trong việc xây dựng quy trình hỗ trợ cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia và hỗ trợ kinh phí đi hỗ trợ các trường hợp ở địa phương. 

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH 

Năm 2022 và Quý I năm 2023, Mô hình hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận:

1. Số liệu

Năm 2022 và quý 1 năm 2023 Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em thực hiện hỗ trợ khẩn cấp 20 ca trẻ em bị xâm hại với 20 trẻ em.

- Phân chia theo loại hình XHTE: có 09 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm 45%) và 11 trẻ em bị bạo lực (chiếm 55%);

- Giới tính của trẻ được hỗ trợ: 07 trẻ em trai (35%) và 13 trẻ em gái (65%);

- Độ tuổi của trẻ em được hỗ trợ: 02 trẻ em từ 0-10 tuổi (10%), 12 trẻ em từ 11-14 tuổi (60%) và 06 trẻ em từ 15 đến dưới 16 tuổi (30%);

- Địa bàn: 02 trẻ em ở Hà Nội, 02 trẻ em ở Kiên Giang, 02 trẻ em ở An Giang, 02 trẻ em ở Đà Nẵng, 02 trẻ em ở Đắk Lắk, 01 trẻ em ở Bình Dương, 01 trẻ em ở TPHCM, 01 trẻ em ở Bình Phước, 01 trẻ em ở Đồng Tháp, 01 trẻ em ở Thừa Thiên Huế, 01 trẻ em ở Quảng Bình, 01 trẻ em ở Hải Dương, 01 trẻ em ở Đồng Nai, 01 trẻ em ở Long An, 01 trẻ em ở Quảng Ngãi.

Ông Lê Ngọc Bảo – Trưởng phòng Chương Trình tổ chức ChildFund Việt Nam.

2. Tình trạng của trẻ sau khi bị xâm hại

Các em sau khi bị xâm hại tình dục và bạo lực đều có những dấu hiệu rối nhiễu về tâm lý điển hình, gia đình và cán bộ địa phương không đủ năng lực để hỗ trợ tâm lý khẩn cấp cho các em.

- Biểu hiện của các em sau khi bị xâm hại tình dục: sợ hãi, né tránh, ngại giao tiếp, sợ người lạ; rối loạn giấc ngủ, ăn uống; giảm hứng thú với các hoạt động giải trí, vui chơi, học tập và các mối quan hệ với người khác; xấu hổ, có mặc cảm tội lỗi, có hành vi tự hại, khó kiểm soát cơn tức giận…

- Biểu hiện của các em sau khi bị bạo lực: mệt mỏi, sợ đi học, khó kiểm soát cảm xúc và hành vi, hung tính, dễ nổi giận, chống đối, mất niềm tin, khó tập trung…

3. Các hoạt động hỗ trợ

- Tổng đài trao đổi với người chăm sóc trẻ và cán bộ địa phương về tình trạng của trẻ và những hoạt động gia đình và địa phương đã hỗ trợ trẻ

- Cán bộ hỗ trợ thông qua quan sát, hỏi chuyện lâm sàng và sử dụng các công cụ để thiết lập mối quan hệ với trẻ và đánh giá tình trạng của trẻ, từ đó lên kế hoạch hỗ trợ tâm lý ban đầu cho trẻ, sử dụng các kỹ thuật về nhận thức, các bài tập thư giãn để trẻ giảm các cảm xúc và nhận thức tiêu cực, hướng dẫn các bài tập để tăng cường các hành vi tích cực, giảm hành vi tiêu cực.

- Hỗ trợ tâm lý, pháp lý, các kỹ năng chăm sóc trẻ cho gia đình, người chăm sóc trẻ.

- Cung cấp các kiến thức về vấn đề trẻ đang gặp phải cho gia đình, hướng dẫn gia đình và người chăm sóc trẻ cách theo dõi và hỗ trợ tâm lý cho trẻ.

- Hỗ trợ chuyên môn về tâm lý và pháp lý cho cán bộ địa phương

- Hướng dẫn cán bộ trẻ em tại xã làm hồ sơ và theo dõi tình trạng của trẻ theo các mẫu của nghị định 56/2017

4. Kết quả

- Sau khi trẻ em được hỗ trợ tâm lý khẩn cấp các em có cải thiện tích cực về tâm lý, giảm các hành vi, cảm xúc tiêu cực, có nhận thức tích cực hơn về sự việc, ít cảm giác tội lỗi hơn, cởi mở trong giao tiếp với mọi người xung quanh.

- Một số ca trẻ bị xhtd có vướng mắc về pháp lý đã được hỗ trợ kịp thời.

- Gia đình thay đổi nhận thức trong cách giáo dục con, quan tâm đến con nhiều hơn.

- Cán bộ địa phương có trách nhiệm và được nâng cao về chuyên môn hơn trong quá trình hỗ trợ trẻ em nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể của cán bộ Tổng đài.

- Việc kết nối và làm việc trực tiếp với gia đình, chính quyền địa phương khẳng định uy tín và sự chuyên nghiệp của Tổng đài 111.

5. Khó khăn

- Thời gian hỗ trợ trực tiếp cho trẻ chưa đủ (thời gian để hỗ trợ trẻ là 02-03 ngày trong khi cán bộ hỗ trợ cần thời gian thiết lập mối quan hệ với trẻ, đánh giá trẻ và hỗ trợ tâm lý ban đầu cho trẻ; làm việc với gia đình trẻ; làm việc với cán bộ địa phương). Do vậy Tổng đài đã triển khai hỗ trợ theo hình thức trực tuyến cho trẻ để đảm bảo đợt hỗ trợ tối thiểu 6 buổi.

- Điều kiện, hoàn cảnh không thuận lợi như ở văn phòng trị liệu chuyên nghiệp (có cán bộ quản lý ca, giám sát, phòng làm việc nhiều tiếng ồn, thiếu công cụ hỗ trợ)

- Cán bộ địa phương không sẵn sàng phối hợp với Tổng đài trong việc hỗ trợ cho trẻ và thiếu năng lực để nhận diện vấn đề của trẻ (trẻ và gia đình cần sự hỗ trợ nhưng cán bộ địa phương cho biết tình trạng của trẻ ổn định không cần hỗ trợ, tuy nhiên khi Tổng đài đến trực tiếp thì không như địa phương trao đổi).

- Còn thiếu đội ngũ chuyên gia/CTV có năng lực để hỗ trợ tâm lý cho trẻ (Tổng đài An Giang  có CTV thường xuyên nhưng là nam giới nên khó hỗ trợ được các trường hợp trẻ bị XHTD là trẻ em gái)

- Mức thù lao chi cho cán bộ hỗ trợ còn thấp.

6. Khuyến nghị

- Tăng mức thù lao cho cán bộ hỗ trợ. Hiện tại đang vận dụng chi theo mức làm việc ngoài giờ theo định mức ngân sách nhà nước.

- Thúc đẩy các hoạt động để đảm bảo sớm có nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động trong năm 2023

- Có các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở địa phương

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ Trẻ em 111 chính thức ra đời vào ngày 19/5/2004 với tên gọi là Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em - Phím số diệu kỳ 18001567. Sau 19 năm hoạt động, Tổng đài đã phát triển mạnh mẽ và có những đóng góp có ý nghĩa vào công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống mua bán người.

Tháng 12/2017, Bộ Lao động phê duyệt đề án Nâng cấp Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 lên thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài có một trung tâm tại Hà Nội và 2 trung tâm vùng tại Đà nẵng và An Giang.

Tháng 10/2013, Tổng đài được lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ triển khai Đường dây nóng phòng chống mua bán người trên nền tảng đường dây trợ giúp trẻ em. Đây là dự án hợp tác giữa Bộ và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Từ đây, Tổng đài chính thức tiếp nhận thông tin, tư vấn và chuyển tuyến để giải cứu và hỗ trợ cho các nạn nhân của mua bán người. 

Bên cạnh hoạt động tư vấn qua điện thoại, từ năm 2013 Tổng đài đã phát triển mạnh hoạt động đánh giá và trị liệu tâm lý trực tiếp cho trẻ em. Thực hiện tiếp nhận và hỗ trợ tâm lý miễn phí cho trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, trẻ em bị mua bán trở về; Đánh giá, tham vấn và trị liệu tâm lý cho hàng chục trẻ bị tự kỉ, chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, trẻ em bị trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi...

 

Xem thêm: Các lĩnh vực hoạt động và chức năng của Tổng đài 111

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111: https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn