• 111
  • lang
  • lang

Biện pháp kỷ luật tích cực dành cho trẻ từ 10-12 tuổi (phần 2)

Khi con trẻ lớn dần đến lứa tuổi dậy thì, 10-12 tuổi, sẽ có nhiều biện pháp giáo dục không còn phù hợp nữa. Sẽ có thêm nhiều hành vi khác cũng cần áp dụng các biện pháp giáo dục khác khi trẻ sang tuổi thứ 10. Và việc xác định được các hành vi này rất quan trọng với cha mẹ, phụ huynh để giúp con trẻ học được thêm nhiều kỹ năng sống trong quá trình các con phát triển.

 

4/ Biện pháp ngăn chặn các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai
Một số giải pháp chiến lược có thể áp dụng lâu dài nhằm ngăn chặn những điều không mong muốn xảy ra. Mời cha mẹ, phụ huynh theo dõi các cách có thể khuyến khích trẻ ở tuổi dậy thì hành xử đúng đắn hơn.

- Tránh việc đặt biệt danh cho trẻ theo kỳ vọng của cha mẹ: Một số cha mẹ chọn biệt hiệu cho con bằng cách lồng ghép một số tài năng kỳ vọng ở trẻ: hoạ sĩ nhí, thần đồng, thiên tài toán hoc. Phụ huynh nghĩ việc này có thể là một hành động tích cực, khuyến khích con trẻ. Tuy nhiên thực chất, hành động này có thể gây tác dụng ngược lại. Vì khi trẻ càng lớn, trẻ càng khám phá ra nhiều thứ hơn, sở thích và năng lực có thể thay đổi. Việc đặt biệt danh có thể khiến trẻ cảm thấy áp lực rằng các con phải cố gắng đạt được thành tích như danh hiệu các con được gọi.

- Hãy giải thích trước cho trẻ những kỳ vọng của cha mẹ: Nhiều hành vi gây rắc rối của trẻ có thể ngăn chặn được nếu cha mẹ có giải thích rõ ràng về những trông đợi của mình. Ví dụ, nếu trẻ xin phép đi xem phim, cha mẹ hãy nói rõ ràng quy định về thời gian cha mẹ hi vọng trẻ có mặt ở nhà. Nói rõ với trẻ cách hành xử đúng đắn cha mẹ mong đợi trẻ thực hiện, và nếu trẻ có vi phạm, trẻ cũng được biết các hình phạt tương ứng. 

- Trao đổi với trẻ về những nguyên nhân cho các quy định của cha mẹ. Điều này có thể giúp trẻ hiểu rõ hơn cách cha mẹ đề ra quy tắc là do lợi ích lâu dài về sức khoẻ, tinh thần cho trẻ, chứ không phải cha mẹ cố ý làm khó trẻ. Khi trẻ hiểu được lý do, trẻ sẽ cố gắng đưa ra các hành xử đúng đắn dù không có cha mẹ nhắc nhở chúng.

 

- Hãy theo sát các hoạt động hàng ngày của con trẻ. Dù các con có biểu hiện con muốn được tự do hơn, nhiều không gian riêng tư hơn, nhưng trẻ chưa đủ khả năng đưa ra các quyết định đúng đắn trong những giai đoạn quan trọng. Do đó, cha mẹ hãy luôn cố gắng theo sát trẻ: trẻ đang chơi với bạn nào, những nơi trẻ và các bạn thường đến chơi, hoặc trẻ và nhóm bạn đang bàn tán gì trên không gian mạng. 

- Cho trẻ một không gian tự do trong sự cho phép của cha mẹ. Cha mẹ không nên quản lý trẻ quá chặt chẽ, hoặc quá bảo bọc, thay mặt trẻ giải quyết tất cả các vấn đề trẻ đang phải đối mặt. Trẻ cần có cơ hội thỉnh thoảng gây lỗi sai, xấu tính, đưa ra quyết định không chính xác, được tự mình giải quyết hậu quả (với sự hỗ trợ của phụ huynh) và rút ra bài học cho bản thân. Khi trẻ được đưa ra quyết định dưới hướng dẫn của cha mẹ, cha mẹ có thể giúp giảm thiểu những hành vi nổi loạn trong tương lai.

 



- Dạy trẻ kỹ năng kiểm soát cơn giận. Rất nhiều hành vi không phù hợp đều bắt nguồn từ việc kiểm soát cơn giận không tốt. Do đó cha mẹ nên chủ động hướng dẫn trẻ về cách đối mặt với những việc không may có thể xảy ra hàng ngày: trễ xe buýt, đột nhiên dính mưa trên đường đi, bị ai đó đối xử không công bằng...

- Không quên nhắc trẻ rằng những quyền lợi đều cần phấn đấu, cố gắng để đạt được. Ví dụ, việc được xem TV trong vòng 1 tiếng, chơi máy tính bảng, cho phép đi đến nhà bạn chơi… đều là phần thưởng nếu trẻ cư xử đúng đắn, có hành vi phù hợp, hoặc có cố gắng thay đổi trở thành người tốt.

- Cha mẹ làm gương cho con trẻ, việc này thực sự rất cần thiết trong quá trình giáo dục con cái. Đây cũng là cách thức gần gũi, hiệu quả rõ ràng do sự tương tác hàng ngày giữa cha mẹ và các con. Cha mẹ hãy cho con thấy cách xử lý tình huống, kiểm soát cơn giận trong những lúc bản thân cha mẹ gặp khó khăn: chúng ta có thể bất đồng ý kiến, nhưng không có nghĩa là có quyền tổn thương đối phương bằng lời nói hoặc các hành vi bạo lực. Việc này không hề dễ, nhưng cha mẹ hãy thử thay đổi dần hành vi của chính mình để con trẻ có thể nhìn vào cha mẹ để học tập.
 

5/ Một số mẹo giao tiếp với trẻ ở độ tuổi dậy thì 

Trò chuyện với con trẻ ở độ tuổi này có thể khiến cha mẹ cảm thấy như đang đánh trận. Cha mẹ hãy ghi nhớ, khi trẻ cứ nằng nặc khẳng định trẻ biết tất cả, có thể tự xử lý chuyện riêng của chúng hoặc không hé răng trả lời bất cứ câu hỏi nào của cha mẹ, đừng bỏ cuộc. Dưới đây là một vài chiến lược nho nhỏ mà phụ huynh có thể thử áp dụng với con của mình.

- Khi nhắc nhở con về quy tắc bạn đề ra, đừng kèm theo những lời cằn nhằn xung quanh việc trẻ đã quên lời bạn nói hoặc tại sao trẻ không nhớ nổi… Ngoài ra, với những quy tắc làm việc nhà, cha mẹ hãy trò chuyện, trao đổi kỹ càng để trẻ có thể cảm nhận được sự quan trọng của việc trao đổi thẳng thắn. Việc liên tục nhắc nhở trẻ về sự tự tế, tôn trọng nhau cũng rất quan trọng. 

 

- Hãy lắng nghe ý kiến của con trẻ khi con thực sự muốn trò chuyện, bày tỏ suy nghĩ. Và khi cha mẹ cho trẻ thấy ý kiến của con được lắng nghe, được xem xét, các con cũng sẽ bắt đầu trân trọng suy nghĩ, ý kiến của bản thân. Thói quen này khá quan trọng vì phụ huynh cũng hi vọng các con có khả năng phát triển suy nghĩ, ý kiến cá nhân và thậm chí là phản biện một cách khoa học, để đưa ra được những quyết định đúng đắn trong tương lai.

- Cha mẹ nên thường xuyên đặt các câu hỏi mở với trẻ: về các nhân vật trong phim, về việc các bạn của trẻ đang làm gì ở trường, hoặc suy nghĩ của trẻ về một số sự kiện đang diễn ra. Phụ huynh cũng có thể trao đổi kỹ hơn về cách trẻ suy nghĩ, lý do trẻ đưa ra quyết định quan trọng gần đây. Việc này có thể giúp trẻ bắt đầu tạo dựng nên một số quan điểm về cuộc sống và chọn lọc ra các giá trị mà trẻ muốn theo đuổi, và có lẽ sẽ có sự khác biệt với cha mẹ. Do đó, khoảng thời gian này là thời điểm vàng để phụ huynh giúp trẻ hiểu được lý do trẻ đưa ra quyết định trong cuộc sống hàng ngày hoặc ở những khoảnh khắc quan trọng.

 

- Hãy nói với trẻ về cách bắt đầu có nhiều không gian riêng hơn. Cha mẹ có thể giải thích với trẻ về một số quy tắc và kỳ vọng để trẻ có thể thể hiện khả năng tự chịu trách nhiệm về việc mình làm. Ví dụ, khi trẻ tự hoàn thành được bài tập về nhà đúng giờ, không cần cha mẹ nhắc nhở mà trẻ vẫn tự làm việc nhà. Qua đó, cha mẹ cũng có thể cho trẻ đặt thêm một số quy tắc trong nhà để cả gia đình cùng thực hiện. Việc này cũng giúp cho trẻ thêm cơ hội thể hiện suy nghĩ của bản thân trong tập thể với cách ứng xử xã hội phù hợp. Hãy làm rõ với trẻ rằng sự lựa chọn là ở con trẻ, khi đã quyết định thì không được ăn vạ bằng cách khóc lóc, hờn dỗi hoặc có những hành vi thiếu tôn trọng người khác.

 

Hãy đọc phần 1 tại đây

-------------

Nguồn tham khảo: https://www.verywellfamily.com/discipline-strategies-for-tweens-4115350
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616