• 111
  • lang
  • lang

Biện pháp kỷ luật tích cực dành cho trẻ vị thành niên từ 13-17 tuổi (Phần 1)

Khi trẻ dần đến lứa tuổi vị thành niên, vai trò của cha mẹ đang từng bước chuyển thành một người hướng dẫn hơn là người thúc đẩy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con trẻ không cần sự can thiệp của cha mẹ trong một vài trường hợp đặc thù, hoặc trẻ không cần phải đối mặt với một số hình phạt. Trên hết, cha mẹ đã có thể cho trẻ không gian để tự đưa ra quyết định, lựa chọn mà ngay cả khi cha mẹ không đồng tình với những ý kiến đó. 

 

1/ Những hành vi đặc trưng 

Trẻ vị thành niên thường muốn thử khả năng tự lập của bản thân, mức độ tự do của bản thân. Do đó, cha mẹ có lẽ không cần quá ngạc nhiên khi các con tranh luận, hoặc lén lút sau lưng bạn làm những điều con muốn. Đồng thời, giữa hai thế hệ sẽ có những trận giằng co không ngừng nghỉ vì phút trước các con cần cha mẹ giúp đỡ nhưng sau đó chúng cảm thấy ý kiến cha mẹ thừa thãi.  

Độ tuổi mới lớn là một khoảng thời gian trưởng thành đầy hỗn loạn cho các con, vì những sự biến đổi về cơ thể, tâm tình và các mối quan hệ xã hội. Cha mẹ có thể quan sát thấy ở một số tình huống cụ thể, các con cư xử có trách nhiệm hơn, như người lớn. Ở một vài trường hợp khác, các con vẫn sẽ thể hiện tính trẻ con của mình. Trong khi đó, việc kết bạn hoặc có các mối quan hệ tình cảm ở độ tuổi này thường đóng vai trò quan trọng, khiến trẻ dành thời gian với bạn bè nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ sẽ ít dành thời gian cho gia đình hơn. Trẻ ở tuổi vị thành niên cũng sẽ quan tâm đến sự riêng tư nhiều hơn. Các con có thể để chế độ bảo mật cho các bài đăng trên mạng xã hội và nếu có phòng riêng, các con sẽ dành thời gian trong phòng nhiều hơn.

 

Mặc dù mọi thứ có thể hơi hỗn loạn, nhưng những sự thay đổi này là một giai đoạn bình thường của việc trẻ tự trưởng thành. Giai đoạn này rất cần thiết và quan trọng cho cha mẹ lẫn trẻ, do đó cha mẹ cần để ý nhiều hơn đến các sự thay đổi về mặt tinh thần và khuynh hướng có thể sử dụng các chất kích thích của con trẻ nếu có. Ngoài ra, bệnh trầm cảm, những biểu hiện của sự lo lắng, chán ăn, hoặc bị bắt nạt ngầm cũng có thể xảy ra với các con ở độ tuổi vị thành niên.

2/ Những thách thức thường có 

Tại thời điểm này, cha mẹ có thể chỉ còn một vài năm để giúp trẻ chuẩn bị các kỹ năng sống trước khi trẻ tự bước vào đời. Và thực sự không dễ dàng để cha mẹ có thể cân bằng giữa việc vừa là người hướng dẫn cho trẻ mà không can thiệp vào sự tự do của các con. Đa số trẻ vị thành niên thường muốn có nhiều sự tự do hơn khả năng các con thực sự biết cách tận dụng đúng đắn. Ví dụ, các con sẽ năn nỉ để được về nhà trễ hơn trước đây, hoặc sẽ cố gắng phản bác lại lí do vì sao chúng muốn đến bữa tiệc ở nhà bạn. Việc trẻ đáp trả lại cha mẹ sẽ diễn ra thường xuyên hơn vì các con nghĩ mình đã đủ lông đủ cách, biết đủ nhiều ở độ tuổi này và cha mẹ thì không thể hiểu được tuổi vị thành niên nghĩ gì.
 

 

Con trẻ cũng thường xuyên khẳng định sự tự chủ tự lập của bản thân bằng việc khăng khăng làm việc theo cách và thứ tự ưu tiên mà mình muốn. Ví dụ, cha mẹ nhắc trẻ đi rửa chén hoặc phơi quần áo, trẻ sẽ bắt đầu cằn nhằn và báo rằng chúng sẽ làm chuyện đó sau. Ở độ tuổi vị thành niên, con em có thể có biểu hiện nóng nảy, lo lắng thái quá về những vấn đề trong các mối quan hệ bạn bè, tình cảm, hoặc liên quan đến học tập, trường lớp.

Bên cạnh đó, việc các con cố gắng trốn tránh rắc rối bằng những lời nói dối cũng là một trong những biểu hiện phổ biến ở tuổi này. Các con sẽ tìm nhiều lí do để không nhận lỗi về phía mình cho một số hư hỏng ở các thiết bị, hoặc khi con lỡ vi phạm một vài quy tắc. Một số tính cách hoặc sở thích khác của con trẻ cũng sẽ được khai phá và xuất hiện rõ ràng hơn. Việc nghe nhạc gì, lựa chọn trang phục, kiểu tóc như thế nào để thể hiện mình cũng là một phần của sự thay đổi.

 

 
3/ Các biện pháp kỷ luật có thể áp dụng 

 

 

Cha mẹ nên nhận thức rằng một số hình phạt đã không còn thực sự có tác dụng khi trẻ ở tuổi vị thành niên, nhưng đồng thời vẫn sẽ có một số biện pháp giáo dục trẻ phù hợp hơn. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật này nhằm dạy trẻ bài học về kỹ năng sống và cư xử phải phép khi khả năng nhận thức của trẻ đã được hoàn thiện hơn so với các lứa tuổi khác. Dưới đây là một số gợi ý về các hình thức kỷ luật:

- Không cho phép trẻ dùng các thiết bị điện tử: thời gian được sử dụng điện thoại thông minh, máy tính xách tay chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Việc cấm trẻ dùng các thiết bị này có thể là một hình thức phạt hiệu quả. Tuy nhiên cha mẹ cũng đặt ra giới hạn thời gian trẻ bị phạt ngưng sử dụng, ví dụ khoảng 24 tiếng là đã đủ để trẻ hiểu thông điệp của cha mẹ.

- Giới hạn thời gian trẻ có thể dành cho bạn bè: nếu một số biểu hiện ứng xử không phù hợp của trẻ có liên quan đến bạn bè trẻ, hãy tạm thời không cho phép trẻ gặp gỡ những người bạn đó: phạt trẻ không được ra ngoài chơi một vài ngày, hoặc huỷ bỏ các kế hoạch giải trí cuối tuần. Hành động này là một cách nhắc trẻ nên tiếp xúc với những người bạn có quan điểm và tính cách tốt hơn.

- Áp dụng quy tắc triệt để hơn. Nếu con trẻ có vi phạm quy tắc cha mẹ đề ra, nghĩa là khả năng các con tận dụng sự tự do trong hành động chưa hiệu quả. Hãy siết chặt các quy định như đặt ra giờ giới nghiêm sớm hơn hoặc cắt bớt thời gian được sử dụng các thiết bị điện tử khi ở nhà để trẻ không quên giới hạn.

 

 

- Đề nghị trẻ phải thực hiện một hành động bù đắp nhằm sửa sai nếu trẻ có làm tổn thương hoặc gây hại cho ai đó. Ví dụ như tham gia sửa chữa, chi trả, làm một công việc khác để xoa dịu sự căng thẳng của lỗi lầm mà trẻ gây ra. Đồng thời cha mẹ đừng quên nhắc trẻ phải thực sự nhận ra lỗi sai của mình là dùng hành động bù đắp một cách có trách nhiệm.

- Hãy để trẻ đối mặt với một số hậu quả tự nhiên nếu trẻ hành xử sai, hoặc có lựa chọn sai. Một số kết quả đương nhiên diễn ra mà trẻ phải chấp nhận cũng chính là bài học cuộc sống khiến trẻ sẽ nhớ mãi trong một vài trường hợp nhất định. Cha mẹ cho trẻ trải nghiệm việc tự chịu trách nhiệm và chấp nhận hệ quả của hành động mà trẻ lựa chọn.

- Áp dụng những hình phạt hợp lý, logic, có liên quan đến hành vi chưa phù hợp mà trẻ gây ra. Nếu trẻ làm đổ vỡ, làm hư món đồ, hãy để trẻ tự sửa hoặc chi trả cho việc sửa chữa. Nếu trẻ chạy xe không cẩn thận, thì trẻ không còn được đi xe nữa. Những hình phạt trên sẽ là hậu quả trực tiếp của các hành vi chưa đúng của trẻ mà trẻ đang phải trả giá.
 

Mời theo dõi phần 2 tại đây

-------------
Nguồn tham khảo:
https://www.verywellfamily.com/discipline-strategies-for-teens-1094840
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616