Khi trẻ dần đến lứa tuổi vị thành niên, vai trò của cha mẹ đang từng bước chuyển thành một người hướng dẫn hơn là người thúc đẩy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con trẻ không cần sự can thiệp của cha mẹ trong một vài trường hợp đặc thù, hoặc trẻ không cần phải đối mặt với một số hình phạt. Trên hết, cha mẹ đã có thể cho trẻ không gian để tự đưa ra quyết định, lựa chọn mà ngay cả khi cha mẹ không đồng tình với những ý kiến đó. Mời quý vị theo dõi phần 2 của bài viết
4/ Biện pháp ngăn chặn một số vấn đề xảy ra trong tương lai
Nếu cha mẹ có những hành vi bảo bọc trẻ quá mức, trẻ sẽ không học được các kỹ năng sống và làm việc cần thiết để có thể đưa ra các quyết định hợp lý. Và ngược lại, nếu cha mẹ lại quá dễ dãi, không có bất kỳ quy tắc nào đặt ra cho con trẻ, trẻ cũng sẽ thiếu đi người hướng dẫn để có thể trở thành một con người trách nhiệm. Dưới đây là một số ý kiến có thể áp dụng để hạn chế các vấn đề xảy ra trong tương lai.
- Tránh việc tranh luận xem ai lời nói bên nào có trọng lượng hơn. Khi con trẻ tranh luận "Chuyện này không công bằng", "Từ từ con sẽ làm", cha mẹ hãy cố gắng tránh tranh luận dài dòng hoặc cãi nhau với trẻ. Thay vào đó, cha mẹ có thể đặt ra một giới hạn nghiêm ngặt và cứ thế áp dụng.
- Cha mẹ hãy làm rõ những mong đợi của mình dành cho trẻ: giờ giới nghiêm, thời gian trẻ đi chơi, những việc trẻ làm khi ở với bạn, một số hình phạt có thể trẻ phải chấp nhận nếu không tuân thủ các quy tắc đã được đặt ra.
- Sử dụng hệ thống điểm tích luỹ: khi trẻ thực hiện cách ứng xử phù hợp liên tục, nhất quán mà không cần cha mẹ nhắc nhở, cha mẹ có thể chủ động tặng điểm thưởng cho trẻ. Hoặc khi trẻ hỏi xin một món đồ có giá trị, một hôm thức khuya chơi cùng bạn, hãy cho trẻ biết cha mẹ có thể cho phép nếu trẻ cư xử đúng đắn, đạt được một thành tích nào đó. Trẻ cũng phải đảm bảo những cố gắng của mình đạt được một cách có trách nhiệm chứ không phải là thực hiện qua loa để có được thứ trẻ muốn.
- Hãy có một bản thoả thuận về hành vi giữa trẻ và cha mẹ. Khi cha mẹ cho phép trẻ được hưởng thêm một đặc quyền mới như sử dụng điện thoại thông minh, được thức khuya hơn, hãy kèm theo việc thoả thuận về các hành vi ứng xử phù hợp. Hãy thường xuyên xem lại các thoả thuận được đề ra, liệt kê rõ ràng các hình phạt nếu các bên không tuân thủ thoả thuận.
- Trở thành một hình mẫu cho trẻ noi theo. Trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào cũng luôn xem bạn như một hình mẫu về cách đối xử, làm việc và sinh hoạt với cộng đồng. Các con sẽ quan sát và ghi nhớ những hành động, thậm chí là nhớ lâu hơn cả những lời bạn nói. Do đó, cha mẹ cũng nhớ có trách nhiệm với lời nói và hành động của mình.
- Hãy có quãng thời gian chất lượng với trẻ. Điều này nghĩa là cha mẹ hãy thực sự quan tâm đến trẻ khi ở cùng nhau, bằng cách trò chuyện chân thành, trao đổi cởi mở, lắng nghe tâm sự, nguyện vọng của trẻ hoặc thử cùng chơi game với trẻ. Khi làm điều này thường xuyên, nền tảng của mối quan hệ người thân sẽ ngày càng chắc chắn và cha mẹ sẽ có được sự tin tưởng của trẻ hơn.
- Tập cho trẻ dần quen với việc luôn có trách nhiệm trong mỗi hành động của mình. Khi cha mẹ cho trẻ biết những lý do thích đáng đằng sau những mong đợi, kỳ vọng trong cách ứng xử, học tập hoặc làm việc nhà, việc này giúp trẻ cố gắng hơn.
- Đừng thay đổi các nguyên tắc kỷ luật nếu trẻ có mắc những lỗi lầm nghiêm trọng. Thay vào đó cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ trao đổi rõ ràng về nguồn cơn của những hành động đó để có thể trị được tận gốc hành vi, và giúp trẻ có trách nhiệm với hành động của mình hơn sau này. Các biện pháp kỷ luật nhằm giúp trẻ hướng sang hành vi tích cực hơn, học được cách ứng xử phù hợp hơn chứ không nhắm vào việc trừng phạt.
5/ Một số mẹo giao tiếp với con trẻ ở tuổi vị thành niên
Cha mẹ có thể dễ dàng nhận ra trẻ dường như không hết chuyện để nói với bạn bè trang lứa. Nhưng khi cha mẹ muốn hỏi thăm về ngày hôm nay của trẻ, các con dường như khó trải lòng hơn. Việc giao tiếp với trẻ vị thành niên không dễ nhưng cũng không phải quá khó khăn. Tuy nhiên cha mẹ cần phải cố gắng, đừng bỏ cuộc trong việc kết nối với các con. Sau đây là một số mẹo giao tiếp cha mẹ có thể thử áp dụng. Hãy luôn nhớ rằng không đứa trẻ nào là giống nhau.
- Thường xuyên trò chuyện, tạo ra những cuộc hội thoại tích cực, cởi mở. Việc hai bên có thể trao đổi, thẳng thắn đặt câu hỏi về các mục tiêu trong cuộc sống, học tập, tương lai là rất quan trọng cho bất kỳ mối quan hệ thân thiết nào. Khi trẻ cảm thấy ổn với việc tâm sự cùng cha mẹ, trẻ sẽ có xu hướng tìm đến cha mẹ khi cần lời khuyên hoặc người hướng dẫn nếu các con gặp phải rắc rối sau này.
- Đừng bỏ qua cơ hội trò chuyện khi cả hai bên đang cùng nhau làm việc. Nhiều lúc trẻ sẽ cảm thấy không sẵn sàng trò chuyện nếu cha mẹ đề nghị trẻ ngồi xuống, mặt đối mặt. Nhưng nếu cả hai đang cùng nhau đi siêu thị, cùng chơi cờ, vẽ hoặc đi dạo, trẻ có lẽ cảm thấy thoải mái hơn để trao đổi.
- Đừng ép trẻ phải nói chuyện với cha mẹ. Việc trẻ có không gian tự lập là một tín hiệu tốt, đừng bắt trẻ phải kể với phụ huynh mọi thứ trẻ làm. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể gợi ý một vài người lớn tin tưởng mà trẻ có thể gặp nếu gặp rắc rối hoặc cần lời khuyên: dì, ông bà, thầy cô hoặc hàng xóm, bất cứ ai mà bạn và trẻ đều có thể tin tưởng và thoải mái khi trao đổi về các chủ đề nhất định.
- Khi có vấn đề, rắc rối xảy ra, hãy nghĩ theo hướng cha mẹ và con cùng nhau giải quyết. Thay vì ra lệnh cho trẻ, hãy cho trẻ cùng phân tích, suy nghĩ và tìm ra nhiều cách xử lý. Ví dụ, nếu trẻ thường xuyên quên làm việc nhà, hãy đặt câu hỏi "Theo con, có cách nào giúp được con nhớ đến việc làm việc nhà đúng giờ hay không?". Hành động khuyến khích trẻ cùng suy nghĩ này cho phép trẻ tham gia việc đưa ra quyết định, khiến trẻ cảm thấy có thêm trách nhiệm và trưởng thành hơn.
- Cha mẹ đừng ngại thử bước vào thế giới của các con: như việc sử dụng mạng xã hội, nhắn tin với con qua các ứng dụng trò chuyện, tìm hiểu và thảo luận về một chủ đề giới trẻ đang quan tâm và con cảm thấy thoải mái khi trao đổi. Việc này có thể mang đến nhiều góc nhìn mới về thế hệ của các con, cách con trẻ suy nghĩ, hành xử và đưa ra quyết định.
Mời theo dõi phần 1 tại đây
-------------
Nguồn tham khảo: https://www.verywellfamily.com/discipline-strategies-for-teens-1094840
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616